Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

KINH NGHIỆM HỌC CAO HỌC UEH K23

HỌC CAO HỌC UEH
Ô la la, vậy là chúng ta đã trải qua kỳ thi cao học rồi. Một tháng chờ đợi kết quả trong bao nỗi niềm hồi hộp, căng thẳng, nhất là khi bước vào tuần thứ 4 của thời gian chờ đợi. Có người nhận kết quả xong nhảy múa ăn mừng, reo hò (Ộp ộp pa găng…nam…sờ…tài), mời tất cả những ai có mặt khi đó …đi nhậu. Nhưng cũng không ít người nhận kết quả xong mặt mũi tái xanh, bỏ cả ăn, mất cả ngủ (mình đã từng như thế). Nhưng dù có rơi vô trường hợp nào thì luôn có một con đường đi tiếp cho bạn, quan trọng là bạn có đủ quyết tâm hay là không thôi. Thi rớt đầu vào cao học năm nay không có nghĩa là cánh cửa được ra trường cùng lúc với các bạn thi đậu đã đóng lại với bạn đâu nhé. Sao lạ thế được nhỉ? Hãy tiếp tục đọc nào.

3.1 Đăng ký nhập học:
3.1.1 Cho các bạn trúng tuyển

Đối với các bạn đã trúng tuyển thì không lâu sau khi công bố kết quả bạn sẽ nhận được giấy báo trúng tuyển. Trong giấy báo có ghi rất là chi tiết cách thức đăng ký, thủ tục ra sao cho nên mình không trình bày ra ở đây nhé.

Tips: các bạn đừng vội vàng gì đâm đầu đi đăng ký nhập học ngay trong ngày đầu tiên vì…đông dữ lắm. Thời gian trường cho đăng ký nhập học thường kéo dài trong vài ngày, thủ tục làm cũng rất nhanh cho nên không việc gì cứ phải chen nhau đi vào ngày đầu tiên để rồi chèn nhau đến ngộp cả thở. Xin hãy để dành những ngày đầu tiên cho các bạn học bồi dưỡng sau đại học nhé.

3.1.2 Cho các bạn chưa trúng tuyển:
Bạn đã không vượt qua được kỳ thi đầu vào nhưng quyết tâm muốn đi học của bạn vẫn còn? Bạn muốn được ra trường cùng lúc với các bạn đã trúng tuyển? Vâng, điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nhưng thực sự đòi hỏi bạn phải có quyết tâm. Có con đường đến vinh quang nào mà trải đầy hoa hồng đâu nào. Còn chờ gì nữa, hãy đăng ký học chương trình bồi dưỡng sau đại học.

Chương trình bồi dưỡng sau đại học dành cho các bạn chưa trúng tuyển trong kỳ thi cao học nhưng có nguyện vọng muốn được tham gia học chương trình cao học. Sau đây là vài câu tự hỏi (Q) và tự trả lời luôn (A):

Q: Buồn như con chuồn chuồn, mắc gì tui phải học trong khi tui thi rớt?

A: Đầu tiên là để tiếp tục mạch cảm hứng muốn được học của bạn. Sau đó bạn có thể thi lại đầu vào ở các khóa sau nhưng kết quả học tập của bạn trước đó vẫn được công nhận.

Q: Cho ví dụ đi bạn ơi, tui mơ hồ quá.

A: Ví dụ bạn không trúng tuyển K1, bạn có thể đăng ký học bồi dưỡng sau đại học chung với các bạn trúng tuyển K1. Sau đó bạn hãy cố gắng thi đậu đầu vào ở K2 hoặc các khóa sau. Giả sử ở K2 bạn đã thi đậu đầu vào (phải làm thủ tục nhập học lại đó), bạn sẽ được nhà trường chuyển điểm để quản lý ở K2 (nhưng vẫn tiếp tục học chung với các bạn ở K1 cho đến hết chương trình). Như vậy, trong điều kiện lý tưởng bạn đã thi đậu đầu vào ở K2 đồng thời cùng K1 học hết chương trình, bạn đã có thể bảo vệ luận văn chung với K1 và ra trường cùng với K1 rồi đó (giống mình – một con người chẳng có gì đặc biệt - đã làm được như thế thì các bạn cũng sẽ làm được thôi, cố lên).

Q: Nhưng mà đến K2 tui vẫn chưa “trả nợ” nổi đầu vào thì sao?

A: Thì phải tiếp tục cố gắng ở các khóa tiếp theo chứ sao nữa.

Q: Nghe cũng thú vị ghê, nhưng làm sao đăng ký học bồi dưỡng sau đại học đây?

A: Vâng, then chốt là đây. Bạn hãy tạm thời “gác lại đau thương”, tiếp tục đeo bám các kênh thông tin để biết được ngày nhập học của các bạn trúng tuyển. Hãy tranh thủ đi những ngày đầu dù biết chen lấn dữ lắm vì số lượng cho học bồi dưỡng sau đại học có giới hạn chứ không phải xả láng đâu. Bạn hãy đến trường vào cái ngày trọng đại đó, xin tờ giấy đăng ký học bồi dưỡng sau đại học, ra ngân hàng Phương Đông đóng tiền (đóng bao nhiêu thì hỏi các tình nguyện viên hỗ trợ đó), sau đó vô đăng ký lớp học. Vậy là học được rồi. Chờ danh sách lớp chính thức được đăng tải để coi mình được xếp vô lớp nào nữa thôi.


Q: Học thì cũng thích, quyết tâm thì cũng có, nhưng mà thấy…sao sao á!

A: Sao sao là…sao sao? Mặc cảm đúng không? Nói thật là chính mình cũng đã cảm thấy như thế nhưng về sau thì hiểu được vấn đề. Trong lớp chắc chắn không phải chỉ mỗi mình bạn học bồi dưỡng sau đại học đâu. Chỉ một câu thôi “hãy biến thương đau thành hành động”.
Thôi tạm gác phần Q-A lại đây, mắc công mọi người nghĩ mình bị gì cũng nên.

3.2 Quá trình học:
Quá trình học trên lớp bao gồm 2 giai đoạn chính, tạm gọi là giai đoạn đại cương và giai đoạn chuyên ngành

3.2.1 Giai đoạn đại cương:
Giai đoạn này lại được chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn:
- Đại cương bắt buộc: là các môn mà ai cũng phải học
- Đại cương tự chọn: sẽ có danh sách các môn cho bạn chọn, sau đó trường sẽ chia lớp lại theo thống kê môn học mà học viên đã chọn.
3.2.2 Giai đoạn chuyên ngành
Giai đoạn này cũng chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn:
- Chuyên ngành bắt buộc: gồm các môn mà chuyên ngành đó phải học
- Chuyên ngành tự chọn: cũng được tổ chức lớp lại theo sự chọn lựa của các học viên. Một số ngành có thể chỉ định luôn môn học ở giai đoạn này do số học viên của cả ngành ít.

3.3 Học cao học như thế nào?

Cách học khá khác so với thời đại học: kiến thức được nâng cao hơn, sự giao tiếp giữa học viên và giảng viên gần gũi hơn, giảng viên chỉ là người gợi ý, hướng dẫn cho các bạn nghiên cứu do đó bạn phải chủ động hơn nhiều so với thời học đại học. Bạn cần có mặt đầy đủ ở lớp vì có tổ chức điểm danh đấy. Cách đánh giá kết quả môn học thông thường như sau:
- Điểm quá trình: chiếm khoảng 30% đến 50% kết quả sau cùng tùy theo quy định của giảng viên. Căn cứ cho điểm thông thường là các bài tập nhóm, thuyết trình trước lớp, bài kiểm tra ngắn v.v…
- Điểm kết thúc môn: thi kết thúc môn thường diễn ra sau khi kết thúc môn học 1 tháng, điểm thi kết thúc môn đóng góp số % còn lại cho điểm tổng kết môn.
Bạn có thể không được tham gia thi kết thúc môn nếu bạn thiếu điểm thi quá trình, hoặc không chịu đóng học phí đúng hạn.

3.4 Những lưu ý trong quá trình học:
3.4.1 Lưu ý môn học:

Thực ra môn nào cũng rất quan trọng, đều có đóng góp nhất định cho kiến thức của bạn tuy nhiên cũng có môn bạn cần phải đặc biệt lưu tâm, điển hình là môn Phương pháp nghiên cứu khoa học. Đó là nền tảng chiến lược cho bạn xây dựng luận văn/báo cáo sau này. Bạn nào chọn chuyên ngành Kinh tế phát triển thì đặc biệt phải chú ý môn: Kinh tế lượng ứng dụng – một môn sống còn nếu bạn muốn làm được luận văn.
Ngoài ra, các bạn nên tìm học các lớp hướng dẫn sử dụng phần mềm phân tích thống kê như Eviews, SPSS, Stata. Thông tin về các lớp đó đăng tải trên diễn đàn này khá nhiều. Không có các phần mềm đó thì gần như chuyện hoàn thành luận văn là một điều vô cùng khó khăn (nếu không nói là bất khả thi).

3.4.2 Lưu ý khi làm việc theo nhóm:
+ Đã xác định đi học là phải tích cực, đừng có tâm lý tham gia nhóm cho có rồi ai làm mặc kệ. Bạn có thể làm như thế một lần nhưng lần sau khi “tái cơ cấu” nhóm bạn sẽ phải nói lời tạm biệt nhóm đấy.
+ Thông thường trong nhóm sẽ có một người làm việc tổng hợp lại đóng góp của các thành viên và phụ trách trình bày trước lớp. Đây là nhiệm vụ đa phần các bạn “chê” và “trốn” nhiều nhất vì khá cực và sự nhút nhát của chính bạn. Nhưng theo mình cho rằng bạn nên xung phong nhận nhiệm vụ đó vì bạn sẽ là người nắm hết thông tin của vấn đề, tập cách trình bày trước đám đông. Điều đó chỉ có lợi mà thôi, sau này khi bảo vệ luận văn bạn mới thấm thía giá trị của sự rèn luyện đó.

3.4.3 Lưu ý khi làm việc cá nhân:

- Học cao học đòi hỏi phải đọc sách và tài liệu tham khảo rất nhiều. Đừng viện lý do bận việc để trốn việc đọc sách.
- Nhiều người cứ xem Google như thần thánh, tìm tài liệu gì cũng lên đó. Thực ra đó là một kênh thông tin tốt nhưng dễ bị lẫn “tạp chất” nếu bạn quá thần thánh và tin tưởng nó vô điều kiện. Trước khi vào Google hãy chịu khó tìm ở thư viện của trường (http://lib.ueh.edu.vn), vào các trang mạng thư viện khoa học quốc tế (như sciencedirect, proquest…), đừng quên nhắc lớp trưởng giúp bạn làm thẻ thư viện của trường càng sớm càng tốt.

3.4.4 Lưu ý của…lưu ý:

Đó là chuyện thi anh văn đầu ra, việc mà các bạn hay quên nhất. Mình biết rất nhiều trường hợp hí hửng làm luận văn xong xuôi đến ngày nộp để chuẩn bị ra hội đồng bảo vệ thì được tin bị hoãn vì…chưa thi anh văn đầu ra. Đây là một môn khá đặc thù, dù không học nhưng…phải thi nên các bạn hay quên. Nhớ lưu ý xem trên các kênh thông tin thời gian tổ chức ôn và thi đầu ra môn anh văn nhé. Tranh thủ hoàn thành sớm chừng nào tốt chừng đó, đừng cố tình trì hoãn mà rơi trúng giai đoạn làm luận văn thì khổ càng thêm khổ.
PHẦN 4: THỰC HIỆN LUẬN VĂN CAO HỌC
Chúc mừng bạn đã “ráng” được đến giai đoạn này. Thời gian làm luận văn có thể nói là thời kỳ “kinh hoàng” nhất đối với rất nhiều học viên. Không còn phải len lỏi trong kẹt xe, gặm đỡ ổ bánh mỳ để lên lớp đều đều mỗi tuần ba buổi, chẳng còn áp lực bị điểm danh. Qua rồi những tháng ngày nơm nớp hết làm bài giữa kỳ rồi đến thi hết môn. Ở nhà làm luận văn thôi, thiệt khỏe! Nhưng “thảm họa” có khi lại bắt đầu từ cái “khỏe” đó…

4.1 Quá trình làm luận văn:
- Đầu tiên phải phải đăng ký tên đề tài, lớp trưởng sẽ tập hợp để nộp cho Viện sau đại học. Bạn chọn GVHD nào trong phiếu đăng ký cũng chưa chắc được như ý nguyện do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, phổ biến nhất vẫn là do giảng viên X nào đó đã nhận đủ số học viên hướng dẫn. Các trường hợp học bồi dưỡng các khóa trước nhưng đậu ở khóa sau có thể phải nộp trực tiếp cho Viện SĐH đồng thời không được đề cử giảng viên hướng dẫn (do Viện SĐH phân nhiệm).
- Bạn sẽ được thông báo tên của giảng viên hướng dẫn và bạn cần liên hệ với thầy/cô sớm nhất. Tùy theo từng khoa sẽ quyết định thời điểm bạn phải bảo vệ đề cương nghiên cứu của mình. Trong quá trình bảo vệ đề cương nghiên cứu bạn sẽ nhận được các góp ý của các giảng viên.
- Hãy tiếp tục phát triển đề cương nghiên cứu thành luận văn và hoàn thành nó trước thời hạn cho phép của nhà trường.
- Nếu gần đến deadline mà bạn vẫn thấy chưa thể hoàn thành, hãy khẩn trương nộp đơn + nộp tiền xin gia hạn thời gian thêm 1 năm. Sau 1 năm gia hạn đó mà bạn vẫn không hoàn thành được luận văn thì thôi “tạm biệt chim én”.

4.2 Những lỗi phổ biến cần tránh
- Sắp đến hạn nộp tên đề tài mà chưa biết ghi cái gì bây giờ: phải khẳng định đây là thảm họa hàng đầu. Nhiều bạn cứ cắm cúi học mà quên phéng chuyện phải chuẩn bị tên đề tài. Làm luận văn là thực hiện một nghiên cứu khoa học, mà đã là nghiên cứu phải có vấn đề nghiên cứu. Bạn không có vấn đề hay ý tưởng nghiên cứu thì làm được gì? Mình đã từng chứng kiến cảnh đến ngày cuối cùng của thời hạn nộp tên đề tài mà nhiều bạn còn chưa nghĩ ra nên chọn đề tài nào, cuối cùng viết đại một cái tên và hệ quả là đa phần sau đó phải xin đổi tên đề tài vì không khả thi trong nghiên cứu.
- Ghi được tên đề tài rồi mà không biết đề cử GVHD nào: cái này là do bạn trong quá trình học không chịu quan sát, để ý tìm trước “cây kơ nia” cho riêng mình. Thật tiếc khi nhiều bạn được quyền đề cử tên GVHD nhưng vẫn để trống mục đó (trong khi mình muốn dữ lắm mà không ai cho).
- Khi ta được ở nhà, ta lười đi: đây là căn bệnh cực kỳ phổ biến, bạn có cảm giác dường như đã mất động lực hoàn toàn. Cứ lôi sách ra nghiên cứu là y chang mệt mỏi, buồn ngủ và lười, bụng bảo dạ thôi để ngày mai, để cuối tuần. Và cứ hẹn với bản thân mãi như thế thì chợt cái deadline nó kề cận lúc nào không hay. Thế là vội vã làm, đương nhiên làm theo tinh thần đó thì chất lượng sao đảm bảo được, đa phần là phải gia hạn thời gian làm luận văn.
Thống kê sơ bộ riêng ở khoa mình học cho thấy chưa đầy 1/3 số học viên có thể hoàn thành luận văn đúng hạn, hơn 1/3 còn lại phải xin gia hạn, số còn lại thì…bỏ luận văn chạy lấy người. Thế mới biết “kỳ nghỉ luận văn” hoàn toàn không phải “tuần trăng mật” ngọt ngào. Nếu bạn “buông” mình lúc này thì có thể nhiều thời gian, tiền bạc bạn đã đầu tư cho việc học trước đó coi như đổ xuống sông xuống biển.
- Ngại gặp GVHD: đây là cái sự ngại cực kỳ ngộ. GVHD là người vẽ đường chỉ lối cho bạn mà ngại gặp thì không biết ai bạn mới không ngại. Một số lý do mình sưu tầm được do một số bạn “chống chế”:
+ Gặp thầy/cô khó quá: đương nhiên thầy cô đâu có rảnh mà ngồi chờ bạn đến hỏi, thầy cô cũng có việc phải làm và bạn cũng thế. Hẹn chưa được lần này thì ta thu xếp lần khác. Hẹn thầy cô là phải nghĩ đến điển tích Lưu Bị cầu Gia Cát Lượng làm gương thì bạn mới củng cố được sự kiên nhẫn của mình (đương nhiên là không có thầy cô nào nỡ cho bạn “leo cây” nhiều lần như ông Gia Cát kia đâu).
+ Chưa làm gì nên gặp không biết nói gì: cái này bó tay chấm cơm chấm canh.
+ Bận rộn quá đi: bó bột toàn thân.
+ Bị thầy cô la hoài, tự ái: đó là thầy cô đang góp ý cho bạn, nhiều khi bạn cứ thích nghĩ mình đúng nên có người sửa sai lại giãy nãy, tự ái, kể cả khi người nhắc nhở bạn là người có học thức, kinh nghiệm, tuổi đời nhiều hơn bạn. Ngộ heng…!!

4.3 Những điều nên làm trong quá trình thực hiện luận văn:
- Ấp ủ vấn đề/ý tưởng nghiên cứu: hãy “phôi thai” nó từ khi bạn bắt đầu học chuyên ngành đi là vừa. Hãy cho mình nhiều phương án khác nhau để dần dần sàng lọc lại và chọn ra một vấn đề nghiên cứu khả thi, ưng ý nhất.
- Hãy “ngắm” những giảng viên mà bạn “kết” nhất (“kết” ở đây là “kết” về học thuật nha các bạn yêu quý), đừng ngần ngại trình bày ý tưởng nghiên cứu của bạn với họ và sau đó là thừa thắng xông lên xin nhờ hướng dẫn luận văn. Nếu thầy cô cũng thấy thích đề tài của bạn thì họ sẽ nhận lời thôi (vụ này chỉ gợi ý thôi chứ không phải áp dụng khi nào cũng thành công đâu).
- Hãy tra cứu trên thư viện, trên internet xem có ai đã làm đề tài gần giống bạn không vì đó là một căn cứ để tham khảo rất quan trọng. Bạn làm nghiên cứu một vấnđề mà chưa ai thực hiện quả thực là một sự lựa chọn mạo hiểm. Thông thường ở luận án của nghiên cứu sinh người ta mới phải chọn như thế (thầy hướng dẫn mình nói vậy), còn ở mức độ luận văn thạc sỹ thì nên hạn chế hoặc có chọn thì phải quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Nghiên cứu trước là cơ sở quan trọng cho bạn xây dựng khung phân tích, giả thiết nghiên cứu – bộ khung cốt thép của căn nhà mang tên luận văn (nhà xây không có sắt thép vẫn xây được nhưng có chịu nổi “gió bão hội đồng” hay không đó mới là vấn đề). Hãy nhớ dùng nghiên cứu của người khác để tham khảo chứ không phải để copy/paste rồi rename, replace nhé.
- Luận văn để tham khảo lấy ở đâu?
+ Ngay trong diễn đàn này.
+ Thư viện của trường
+ Trang web của Viện SĐH
(một số chỗ có thu phí)
- Hãy xem đề tài bạn làm có dữ liệu nghiên cứu tốt không, nếu phải sử dụng dữ liệu sơ cấp từ các cuộc khảo sát cho chính bạn thực hiện thì bảng hỏi là phần bạn phải chuẩn bị kỹ lưỡng, số quan sát càng nhiều càng tốt. Nếu sử dụng dữ liệu thứ cấp như VHLSS thì phải biết cách lấy dữ liệu.
Nói thêm về dữ liệu sơ cấp một chút. Hiện tại đang có hai luồng dư luận: (1) có người cho rằng làm nghiên cứu từ dữ liệu sơ cấp thì luận văn hầu như bất khả chiến bại khi ra hội đồng bảo vệ luận văn do hội đồng đánh giá người nghiên cứu đã tích cực đi triển khai thu thập dữ liệu, nghĩa là nghiên cứu nghiêm túc nên đề tài có tệ lắm thì cũng sát sàn chứ khó mà rớt (!!??) (2) dữ liệu sơ cấp do bản thân người nghiên cứu đi thu thập không loại trừ có khả năng gian lận (tự điền phiếu khảo sát), số quan sát có khi không đủ nên chạy mô hình ra kết quả chưa đủ độ tin cậy, không biết cách chọn mẫu khảo sát nên bộ dữ liệu cũng không đạt yêu cầu… (thực tế mình đã đi dự buổi bảo vệ luận văn dùng dữ liệu sơ cấp và đã chứng kiến hội đồng chất vấn học viên mạnh mẽ về bộ dữ liệu sơ cấp này). Với các khuyến cáo này mong các bạn hãy thật cẩn thận khi chọn dữ liệu nghiên cứu nhé.
- Luận văn của bạn chỉ làm định tính hay kết hợp định tính, định lượng. Tốt hơn bạn nên tìm tài liệu về kinh tế lượng để xem thêm về hồi quy OLS, logit, binary logistic đặc biệt là EFA (phân tích nhân tố khám phá) đối với các bạn học chuyên ngành QTKD
- Ngoài ra, bạn phải lưu ý đặc biệt các quy định của nhà trường về:
+ Trích dẫn tài liệu tham khảo (để tránh bị mang tiếng đạo văn)
http://sdh.ueh.edu.vn/modules.php?na...viewst&sid=164
+ Cách trình bày luận văn (không áp dụng phần trích dẫn tài liệu nhé)
http://sdh.ueh.edu.vn/modules.php?na...=viewst&sid=42
+ Cách in luận văn
http://sdh.ueh.edu.vn/modules.php?na...viewst&sid=149
- Cuối cùng: siêng liên hệ GVHD, ít nhất 2 tuần/lần, nếu ít điều kiện gặp trực tiếp thì liên hệ qua email. Bạn tích cực, thể hiện thái độ cầu thị tốt thì GVHD sẽ nhiệt tình, đơn giản thế thôi.
PHẦN 5: BẢO VỆ LUẬN VĂN VÀ ĐÔI LỜI CỦA NGƯỜI VIẾT

Hura, chúc mừng bạn đã vượt qua được thời gian “sống trong sợ hãi”, nhưng vẫn còn thử thách cuối cùng dành cho bạn trước khi qua ải đây. Mình và các bạn hay nói đùa là thời điểm “lên dĩa” đã đến. Bao nhiêu tinh hoa kiến thức và thể hiện bạn tích lũy được bấy lâu dồn cho “trận đánh cuối cùng” này đấy. Nào, hãy cùng xem lại hành trang của chúng ta.

5.1 Những điều cần lưu ý trước khi bảo vệ luận văn:
- Đã hoàn thành hết các môn học chưa? Nhiều bạn đã bị shock bởi tình huống xin bảo vệ luận văn nhưng không được do học thiếu môn, hoặc bị thi lại mà…không hay biết. Chính vì vậy phải phải hết sức chú trọng việc này, phải quan tâm điểm tổng kết của từng môn học ngay khi kết thúc môn học đó nếu không muốn “chết ở ngưỡng cửa thiên đường”.
- Đã thi anh văn đầu ra chưa? Vụ này nói nhiều rồi heng, vậy chứ nhiều bạn quên hoài à.
- Đã nộp học phí, phí bảo vệ luận văn đầy đủ chưa? Hơ hơ, nghĩa vụ phải hoàn thành thì quyền lợi mới được bảo đảm. Hãy sử dụng mã số học viên và vào trang web của phòng tài chính – kế toán kiểm tra đi bạn.
- Đã đi xem các bạn khác bảo vệ luận văn chưa? Phải đi! Đi để học hỏi kinh nghiệm, nếu có thể xem các bạn cùng khoa bảo vệ luận văn thì càng tốt. Lịch bảo vệ luận văn xem ở đâu? Ngay trang chủ của trang web Viện SĐH đó bạn.
- Đã…suy nghĩ kỹ chưa? Nghe buồn cười nha nhưng đó là điều cần thiết đó, nếu bạn còn thiếu tự tin thì hãy tìm lời khuyên, sự động viên của thầy cô, gia đình, bạn bè, những người đã “lên dĩa” trước bạn.

5.2 Quy trình bảo vệ luận văn
Cái này có quy định cụ thể rồi, bạn có thể theo dõi ở đường link sau:
http://sdh.ueh.edu.vn/modules.php?na...viewst&sid=151

Mọi thứ cần biết đều ở trong đó, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng nha.

5.3 Thể hiện thế nào trong buổi bảo vệ luận văn:
- Trước đó, hãy chuẩn bị 1 file power point tóm tắt nội dung luận văn, độ dài trong khoảng 20-25 slide thôi. Hãy tập trình bày ở nhà, bấm thử đồng hồ canh giờ vì bạn chỉ có 20 phút để trình bày thôi. Hãy in sẵn các slide ra giấy để phòng trường hợp thiết bị hỏng hóc giữa chừng. Nên đầu tư mua bút điều khiển có đèn laser để bạn rảnh tay hơn khi trình bày.
- Ăn mặc lịch sự, nam nên mặc veston, nữ nên mặc vest công sở.
- Đến sớm hơn giờ quy định ít nhất 30 phút để phòng ngừa các sự cố bất khả kháng, để vận hành thiết bị thử, để làm quen với không khí trong phòng.
- Có một số bạn chuẩn bị hoa và quà tặng cho các thành viên trong hội đồng, việc này thì mình không có ý kiến gì thêm.
- Bình tĩnh ghi chép các ý kiến phản biện, các câu hỏi của các thành viên hội đồng đặt ra, sau đó trả lời từng câu một (khi được cho phép). Câu nào biết chắc thì hãy trả lời, đừng trả lời bừa mà mang họa, chất lượng hơn số lượng. Câu nào chưa trả lời được xin đừng nói “em không biết” mà hãy nói “em xin ghi nhận và nghiên cứu lại sau”.
- Sau khi họp hội đồng, bạn nhận kết quả >=5, chúc mừng nhé. Ngay sau đó hãy xin photo cái biên bản của hội đồng để làm căn cứ chỉnh sửa luận văn. Đừng quên xin số điện thoại của thầy/cô Chủ tịch hội đồng vì sau này bạn phải xin chữ ký của thầy/cô trong bản cam kết chỉnh sửa luận văn đó. Nếu bạn nhận kết quả <5 thì đừng vội thất vọng và bỏ cuộc, cứ về chỉnh sửa luận văn theo góp ý, nộp tiền để xin bảo vệ lần 2, cố gắng hết mình đi rồi bạn sẽ được thôi.
- Sau cùng, hãy chỉnh lại luận văn theo biên bản của hội đồng, trình cho thầy/cô Chủ tịch hội đồng xem và ký xác nhận cho bạn. Sau đó đi in luận văn chính thức, ghi file ra đĩa để nộp thư viện, lấy cái biên nhận. Bạn trở về Viện SĐH nộp cái biên nhận + bản cam kết chỉnh sửa đã được xác nhận + đĩa lưu luận văn đã chỉnh sửa. OK, xong rồi đó. Chỉ còn chờ thư mời dự lễ tốt nghiệp cấp bằng nữa thôi. Rảnh thì bạn chạy qua bên cơ sở Nguyễn Tri Phương mua sẵn bộ lễ phục để dành để tới lễ trao bằng mặc (vụ này bắt buộc đó), lên sẵn danh sách khách mời đến dự lễ…để chụp hình với bạn (nghe cứ như đám cưới, mình chỉ nói vui thôi chứ thời điểm viết bài này mình cũng đã làm đâu, her her). Khi có thư mời thì bạn lên Viện SĐH để đóng thêm một số khoản phí và đăng ký số thứ tự nhận bằng (xem thông báo trên web của Viện SĐH đó nha)

5.4 Đôi lời của người viết
Chắc các bạn đã mệt nhoài khi đọc đến đây rồi phải không ạ? Những gì mình đã viết là tích lũy 3 năm sự từng trải của mình trong môi trường cao học của UEH. Có thể bạn vẫn chưa tìm thấy thông tin bạn cần do sự hiểu biết và trải nghiệm của người viết có giới hạn, khó mà đề cập hết mọi vấn đề. Trong quá trình viết có thể có một số chỗ chưa chính xác lắm mong các bạn thông cảm.
Bản thân người viết đã từng thi đầu vào cao học K19 và đã không thành công. Sau đó mình đã đăng ký học bồi dưỡng sau đại học với các bạn K19. Đến K20 thì mình đã thi đậu đầu vào và đã được bảo vệ luận văn cùng đợt với các bạn K19. Mình muốn chia sẻ những trải nghiệm và cảm xúc trên với các bạn đang tìm hiểu về cao học UEH cũng như đang học cao học UEH với niềm mong mỏi những gì mình đã viết sẽ giúp ích điều gì đó, dù thật nhỏ nhoi cho việc học tập của các bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét