Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Điểm mới về hạch toán tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT- BTC

Điểm mới về hạch toán tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT- BTC


Theo Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22/12/2014 (viết tắt là TT200) của Bộ Tài chính, các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái có rất nhiều điểm mới. Đầu tiên là VAS 10 và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, sau đó là Thông tư 201/2009/TT-BTC, Thông tư 179/2012/TT-BTC. Thông tư 179 ra đời không những có sự thống nhất với chuẩn mực kế toán Việt Nam mà còn hướng đến chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21. Một số điểm bất cập về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái đã được hoàn thiện, gỡ bỏ sự tranh cãi giữa VAS và thông tư hướng dẫn trước đây. Đồng thời, cũng cho thấy sự thống nhất với IAS, tạo tiền đề thu hẹp dần khoảng cách giữa kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế.
Theo Thông tư 200, việc đánh giá các giao dịch phát sinh liên quan đến ngoại tệ còn dựa trên góc độ tiền tệ hay phi tiền tệ, có một vài điểm mới về nguyên tắc hạch toán ngoại tệ và nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, cụ thể

Thứ nhất, về nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế
(1) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ: Theo Quyết định 15 thì nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Quy định cho từng trường hợp cụ thể như sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi) là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng thương mại (NHTM);
- Trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì DN ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN mở tài khoản (TK) để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của NHTM nơi DN dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các TK phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của NHTM nơi DN thực hiện thanh toán.
(2) Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC): 
Theo Quyết định 15, đánh giá theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm lập BCTC. Theo Thông tư 200, thì đánh giá theo tỷ giá công bố của NHTM nơi DN thường xuyên có giao dịch (do DN tự lựa chọn) theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của NHTM nơi DN thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập BCTC. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi DN mở TK ngoại tệ.
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM tại thời điểm lập BCTC;
- Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Thứ hai, về nguyên tắc xác định tỷ giá ghi sổ
Tỷ giá ghi sổ gồm: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (tỷ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập).
- Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh: Là tỷ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, được xác định theo tỷ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc tại thời điểm đánh giá lại cuối kỳ của từng đối tượng.
- Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động là tỷ giá được sử dụng tại bên Có TK tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên Nợ TK tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán. Như vậy, theo Thông tư 200/2014 DN chỉ sử dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động trong khi đó theo Quyết định 15/2006 thì có thể lựa chọn 1 trong các phương pháp: tỷ giá đích danh, tỷ giá bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ, tỷ giá bình quân gia quyền di động, tỷ giá nhập trước xuất trước (FIFO).

Thứ ba, về nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
(1) Đối với giao dịch về bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng:
* Trường hợp khách hàng trả chậm hoặc thanh toán ngay: 
- Kế toán ghi nhận doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo tỷ giá thực tế của ngày giao dịch là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán:
Nợ TK 1112/ 1122/ 131
Có TK 511
- Khi khách hàng thanh toán, kế toán ghi:
Nợ TK 1112/ 1122: Theo tỷ giá thực tế ngày thanh toán
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá 
Có TK 131: Theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh ngày bán hàng
* Trường hợp khách hàng đã ứng trước tiền hàng: 
- Khi nhận tiền ứng trước của khách hàng, kế toán ghi theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán
Nợ TK 1112/ 1122
Có TK 131 
- Khi giao hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng tương ứng với số tiền ứng trước, kế toán ghi nhận doanh thu, thu nhập theo đúng tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước tiền của người mua.
Nợ TK 131/Có TK 511
- Trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng đã ứng trước một phần tiền hàng, ta cần xác định được doanh thu tương ứng với giá trị đã ứng trước để ghi nhận theo đúng tỷ giá đã ghi ngày nhận trước tiền còn doanh thu tương ứng phần chưa ứng trước sẽ sử dụng tỷ giá thực tế ngày giao dịch là tỷ giá mua tại ngân hàng mà DN chỉ định khách hàng thanh toán.
* Trường hợp bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ có phát sinh thuế xuất khẩu. Do thuế xuất khẩu sẽ phải áp dụng tỷ giá do hải quan quy định nên phương pháp hạch toán sẽ có một vài điểm khác biệt như sau:
- Đối với trường hợp khách hàng thanh toán ngay hoặc trả chậm:
Nợ TK 1112/ 1122/ 131: Tỷ giá mua của NHTM
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 511: Tỷ giá mua của NHTM
Có TK 3333: Tỷ giá hải quan quy định
- Đối với trường hợp khách hàng đã ứng trước tiền hàng:
Nợ TK 131: Tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước tiền
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 511: Tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước 
Có TK 3333: Tỷ giá hải quan quy định
(2) Đối với giao dịch mua tài sản, vật tư, hàng hóa, dịch vụ:
* Trường hợp mua thanh toán ngay, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642/ 133....: Tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN thường xuyên giao dịch
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
* Trường hợp mua trả chậm:
- Khi phát sinh giao dịch mua, kế toán ghi theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng nơi DN thường xuyên giao dịch:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642/ 133....
Có TK 331
- Khi thanh toán nợ cho nhà cung cấp, kế toán ghi:
Nợ TK 331: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh ngày phát sinh giao dịch mua
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá.
* Trường hợp ứng trước tiền cho nhà cung cấp:
- Khi ứng trước tiền cho nhà cung cấp, kế toán ghi:
Nợ TK 331: Tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng mà DN thường xuyên giao dịch
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
- Khi nhận vật tư, hàng hóa, tài sản và dịch vụ từ nhà cung cấp, kế toán ghi theo tỷ giá đã ghi sổ ngày ứng trước tiền:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642.....
Có TK 331
- Trường hợp giá trị tài sản và dịch vụ nhận lớn hơn số tiền ứng trước, kế toán cần tách riêng giá trị tài sản, dịch vụ tương ứng với phần ứng trước sẽ ghi theo tỷ giá ghi sổ ngày ứng trước và giá trị tài sản, dịch vụ tương ứng với phần chưa ứng trước sẽ ghi theo tỷ giá bán của ngân hàng mà DN thường xuyên giao dịch.
(3) Đối với các giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ thì bên Nợ của các TK Vốn bằng tiền được ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế. Riêng trường hợp rút ngoại tệ từ ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt thì ghi theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động của TK 1122 và trường hợp rút quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ gửi vào ngân hàng thì ghi theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động của TK 1112. Đây chính là điểm khác biệt của Thông tư 200 so với Quyết định 15. Vì theo Quyết định 15, bên Nợ của các TK Vốn bằng tiền luôn được ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế. 

Thứ tư, về nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Là các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ có thể bao gồm:
(1) Tiền mặt, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ;
(2) Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
- Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và DN sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
- Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc DN không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
c) Các khoản đi vay, cho vay dưới mọi hình thức được quyền thu hồi hoặc có nghĩa vụ hoàn trả bằng ngoại tệ.
d) Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ; Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải hoàn trả bằng ngoại tệ.

Như vậy, ta có thể thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Thông tư 200 và Quyết định 15 chính là việc đánh giá các giao dịch phát sinh trong kỳ và các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối kỳ dưới góc độ tiền tệ và phi tiền tệ. Đối với các giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản như Quyết định 15). Tương tự đối với các giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập như Quyết định 15). Do đó, theo Thông tư 200 sẽ không phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái đối với các giao dịch phi tiền tệ. Ngoài ra, chỉ các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ mới được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ khi đánh giá vào cuối kỳ. Bên cạnh đó, tỷ giá thực tế ngày giao dịch theo tinh thần của Thông tư 200 là tỷ giá mua hoặc bán tại NHTM mà DN thường xuyên giao dịch cũng phù hợp thực tế và tạo thuận lợi cho các DN khi áp dụng hơn so với quyết định 15 quy định các DN phải sử dụng tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng
Trên đây là một số trao đổi về tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hy vọng, những ý kiến trao đổi trên đây sẽ giúp các kế toán viên vận dụng một cách phù hợp với điều kiện cụ thể tại đơn vị mình./.


Tài liệu tham khảo


1. Thông tư số 200, 179, 201, TT 105;
2. Quyết định 15, QĐ 165.
 
Th.s Đoàn Thị Hồng Nhung - Th.s Vũ Thị Kim Lan * 
(* Đại học Thăng Long)             
                                         

Tỷ giá để xác định doanh thu và chi phí bằng ngoại tệ

Tỷ giá để xác định doanh thu và chi phí bằng ngoại tệ

Thông tư 219/2013/TT-BTC và thông tư 78/2014/TT-BTC quy định việc xác định doanh thu và chi phí theo tỷ giá liên ngân hàng. Nhưng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định việc tỷ giá được xác định theo tỷ giá mua vào hoặc bán ra của ngân hàng thương mại. Vậy doanh nghiệp thực hiện xác định nghĩa vụ thuế có được thực hiện theo Thông tư 200/2014/TT-BTC không?
ty-gia-ghi-nhan-doanh-thu
Thông tư 219/2013 tại Điều 7, Khoản 22 quy định giá tính thuế như sau:
“Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.”
Như vậy, người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu.
Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 3, Khoản 6 quy định về phương pháp tính thuế như sau:
6. Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập khác bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
Như vậy, doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Namm công bố.
Theo các quy định trên doanh nghiệp phải quy đổi doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Tuy nhiên Thông tư 200/2014/TT-BTC tại Điều 69 quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế quy định doanh nghiệp phải quy đổi doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ như sau:
“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:
  1. a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.”
Theo quy định trên thì
+ Doanh nghiệp phát sinh doanh thu tức là khi ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khách hàng thanh toán luôn thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí tức là khi doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả hoặc khách hàng thanh toán luôn thì thực hiện theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại của doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Như vậy thì doanh nghiệp phải xác định tỷ giá như thế nào, theo quy định của kế toán hay quy định của pháp luật kế toán. Nếu doanh nghiệp áp dụng quy đổi tỷ giá theo quy định của kế toán thì nghĩa vụ thuế được xác định sẽ bị thay đổi so với quy định của thuế. Doanh nghiệp có phải theo dõi cả tỷ giá theo cơ quan thuế và tỷ giá theo quy định của kế toán không?
Thông tư 26/2015/TT-BTC tại Điều 2, Khoản 4 sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22  tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.”
Theo quy định trên:
– Tỷ giá để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch.

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

ACCA là gì?

ACCA là tên viết tắt của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (the Association of Chartered Certified Accountants). Đây là một hiệp hội nghề nghiệp được hình thành từ rất lâu (năm 1904) và có uy tín lớn trên thế giới.
Hiệp hội ACCA cung cấp các chương trình học với tên gọi là ACCA (tên viết tắt của hiệp hội), và chương trình FIA/CAT.
Chương trình học ACCA bao gồm 14 môn học, chủ yếu với 3 lĩnh vực: kế toán, tài chính và kiểm toán. Với độ sâu và rộng, chương trình giúp học viên nắm vững nền tảng lý thuyết và kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Do đó, bằng cấp ACCA được công nhận rộng rãi và có giá trị lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, các công ty kiểm toán nước ngoài.
Với nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập, các công ty đa quốc gia ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Việt Nam cũng được nhắm đến là một đất nước nhiều tiềm năng để các công ty nước ngoài kinh doanh và đầu tư. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi phải nâng cao theo tầm quốc tế. Và sự tăng lên về số lượng học viên ACCA như một xu hướng tất yếu. Với bằng cấp ACCA, người lao động Việt Nam có thể tự hào và tự tin giữ những vị trí cao ở các công ty quốc gia như: Giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, Chuyên viên phân tích tài chính cấp cao.
Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam ngày càng được nâng cao với các chương trình mang tính chất quốc tế như ACCA, FIA/CAT hay CFA. Trong đó, ACCA là chương trình quốc tế phổ biến nhất hiện nay. Với các bằng cấp có giá trị cao như ACCA, người lao động Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng lao động giá rẻ để tự tin đòi hỏi mức lương cạnh tranh với lao động của các nước phát triển.
Tuy nhiên, với độ khó của chương trình ACCA, người học cần có quyết tâm và thời gian để hoàn tất. Do đó, số người có bằng ACCA mặc dù có tăng lên hằng năm nhưng thực sự vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Hơn thế, dù văn phòng đại diện ACCA tại Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động để giới thiệu cho chương trình ACCA, nhưng đa số nhân viên làm việc trong lĩnh vực kế toán vẫn mơ hồ về các yêu cầu cơ bản và tầm quan trọng của chương trình ACCA.

ACCA do hiệp hội kế toán công chứng Hoàng gia Anh quốc - hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán lớn nhất thế giới cấp. Sau khi hoc xong ACCA bạn còn được cấp Bằng cử nhân đại học Oxford Anh quốc. Thông thường, với những ai chưa có kiến thức cơ bản về kế toán thường học CAT- bằng kế toán quốc tế trước để có kiến thức nền tảng ban đầu. Học CAT xong, bạn sẽ có thể có nhiều cơ hội hơn để xin việc trong những công ty nước ngoài và có thể được học tài trợ cho đi học ACCA. 
CAT học 9 môn. ACCA học 14 môn
Học CAT khoảng gần 2 năm còn học ACCA phải mất 3-3,5 năm nếu bạn thực sự nỗ lực và chăm chỉ.
Học phí thì khá đắt . Bạn sẽ mất khoảng hơn 100 triệu để học ACCA và khoảng hơn 30 triệu nếu học CAT.( học CAT ở FTMS mất khoảng gần 50 triệu nhưng khá uy tín)


Giá trị bằng cấp ACCA

Bằng ACCA (Kế toán Công chứng Anh quốc) được trên 8.300 công ty là Đối tác Tuyển dụng Chính thức trên thế giới công nhận, giúp cho những người có đủ năng lực và quyết tâm phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và quản lý tài chính có cơ hội vươn đến những đỉnh cao nghề nghiệp.
Giá trị đích thực của chương trình ACCA (Kế toán Công chứng Anh quốc) có được từ nội dung các môn học, vốn được thiết kế dựa trên nhu cầu của các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động. Chương trình sẽ cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc để tạo lập và phát triển các kỹ năng chuyên môn sâu rộng, có thể sử dụng được ở bất cứ nơi nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, quản lý. 
Bằng cấp ACCA mang tới cho người sở hữu những lợi thế đặc biệt:
  • Được công nhận trên toàn thế giới và tại Việt Nam
  • Kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, tiên tiến và có tính ứng dụng cao
  • Được các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu ưu tiên khi tuyển dụng
  • Dễ dàng chuyển đổi sang chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA)
  • Cộng đồng hội viên ACCA chuyên nghiệp, năng động khắp thế giới.
Ngày 9/10/2011, ACCA trao bằng hội viên danh dự cho Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, vinh danh những đóng góp to lớn của ông đối với ngành kế toán - kiểm toán và tài chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bộ trưởng Huệ là người thứ 6 trên thế giới được ACCA trao bằng hội viên danh dự.

Các mốc ngày quan trọng

Bảng dưới đây thể hiện những ngày quan trọng trong năm liên quan tới chương trình ACCA.
Tháng 1Tháng 7
  • Ngày 1: Hạn nộp lệ phí đăng ký hàng năm
  • Ngày 15: Các yêu cầu đối với các trường hợp đặc biệt cần xem xét đánh dấu từ kỳ thi tháng 12 năm trước .
  • Ngày 15: Các yêu cầu cho các trường hợp đặc biệt cần xem xét liên quan đến kỳ thi tháng 6.
Tháng 2Tháng 8
Thông thường kết quả thi sẽ được gửi cho bạn khoảng tuần thứ 3 của tháng này nếu bạn đã tham dự các kỳ thi vào tháng 12 năm trước và cũng có thể được xem tại myACCA.
Mẫu đăng ký môn thi (Examination Entry Form) cho các kỳ thi tháng 6 sẽ được gửi cho bạn nếu bạn đã yêu cầu nhận mẫu đăng ký môn thi.Các yêu cầu đặc biệt liên quan đến điểm thi cần được nhận trong vòng 15 ngày làm việc từ khi công bố kết quả thi tháng 12
Thông thường kết quả thi sẽ được gửi cho bạn khoảng tuần thứ 3 của tháng này nếu bạn đã tham dự các kỳ thi vào tháng 6 và cũng có thể được xem tại myACCA.
Một mẫu đăng ký môn thi (Examination Entry Form) cho các kỳ thi tháng12 sẽ được gửi cho bạn nếu bạn đã yêu cầu nhận mẫu đăng ký môn thi. Các yêu cầu cho một sự xem xét điểm thi nên được nhận trong vòng 15 ngày làm việc từ khi công bố kết quả thi tháng 6.
Tháng 3Tháng 9
  • Ngày 8: Hạn cuối nộp đăng ký thi sớm cho kỳ thi tháng 6 – chỉ áp dụng cho các môn đăng ký online cho kỳ thi tháng 6Các yêu cầu liên quan đến các trung tâm tổ chức thi đặc biệt phải được nhận vào ngày này cho kỳ thi tháng 6 (xem mục “Exams’ để tìm ra các trung tâm tổ chức thi đặc biệt).
  • Ngày 8: Hạn cuối nộp đăng ký thi sớm cho kỳ thi tháng 12 – chỉ áp dụng cho các môn đăng ký online cho kỳ thi tháng 12. Các yêu cầu liên quan đến các trung tâm tổ chức thi đặc biệt phải được nhận vào ngày này cho kỳ thi tháng 12 (xem mục “Exams’ để tìm ra các trung tâm tổ chức thi đặc biệt).
Tháng 4Tháng 10
Phúc tra điểm thi phải được nhận vào tuần đầu tiên của tháng 4 liên quan đến các kỳ thi tháng 12.
  • Ngày 8: Hạn cuối nộp đăng ký thi chuẩn cho kỳ thi tháng 6 – áp dụng cho các môn thi online và thi viết cho kỳ thi tháng 6. Thay đổi các môn thi của bạn cho kỳ thi tháng 6 phải được nhận vào ngày này hoặc tạo thay đổi trên myACCA. Các yêu cầu hỗ trợ bổ sung trong kỳ thi tháng 6 phải được nhận vào ngày này.
Phúc tra điểm thi nên được nhận vào tuần đầu tiên của tháng 10 liên quan đến các kỳ thi tháng 6.
  • Ngày 8: Hạn cuối nộp đăng ký thi chuẩn cho kỳ thi tháng 12 – áp dụng cho các môn thi online và thi viết cho kỳ thi tháng 12. Thay đổi các môn thi của bạn cho kỳ thi tháng 12 phải được nhận vào ngày này hoặc tạo thay đổi trên myACCA. Các yêu cầu hỗ trợ bổ sung trong kỳ thi tháng 12 phải được nhận vào ngày này.
Tháng 5Tháng 11
Examination Attendance Dockets sẽ bắt đầu được gửi nếu bạn đã yêu cầu một bản copy cho kỳ thi tháng 6, chi tiết các chủ đề bạn tham dự kỳ thi và địa chỉ của các trung tâm tổ chức thi, nếu bạn đã yêu cầu nhận mẫu Docket.
  • Ngày 8: Hạn cuối cùng đăng ký online (mốc muộn) phải được nhận vào ngày này cho kỳ thi tháng 6. 
Examination Attendance Dockets sẽ bắt đầu được gửi nếu bạn đã yêu cầu một bản copy bài thi được gửi cho bạn cho kỳ thi tháng 12, chi tiết các chủ đề bạn tham dự kỳ thi và địa chỉ của các trung tâm tổ chức thi, nếu bạn đã yêu cầu nhận mẫu bài thi.
Hóa đơn lệ phí hàng năm đã gửi cho bạn cho năm tiếp theo.
  • Ngày 8: Hạn cuối cùng đăng ký online cho mốc muộn phải được nhận vào ngày này cho các kỳ thi tháng 12.
Tháng 6Tháng 12
Thông thường các kỳ thi sẽ được tổ chức trong vòng 8 ngày trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai của tháng.Thông thường các kỳ thi sẽ được tổ chức trong vòng 8 ngày trong tuần đầu tiên và tuần thứ hai của tháng.

Kỹ năng học và hướng dẫn ôn tập

Phần này nhằm mục đích đưa ra sự hướng dẫn bạn học các môn thi ACCA và đưa ra những quan điểm nhằm nâng cao các kỹ thuật học hiện tại của bạn.
Chuẩn bị học
Thiết lập mục  tiêu                                                                                                          
Trước khi bắt đầu học, hãy xác định mục tiêu cần đạt được của bạn. Bạn muốn thu thập được các kiến thức gì? Bạn chỉ cần thi đỗ, hay phải nằm trong Top prize winner của Việt Nam, của thế giới? Xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp bạn sắp xếp thời gian và mức độ tập trung cho việc học.
Đặt ra kế hoạch học tập
  • Xác định những khoảng thời gian trong tuần bạn sẽ học.
  • Chia thời gian này thành các lần ít nhất một tiếng để đọc tài liệu mới. Khoảng thời gian ngắn hơn có thể sử dụng để ôn tập hoặc thực hành.
  • Sắp xếp thời gian bạn dự định học vào một kế hoạch học tập cho các tuần từ bây giờ cho đến kỳ thi và hãy lập các mục tiêu cho bản thân cho mỗi giai đoạn học – trong các giai đoạn nhỏ hãy đảm bảo rằng bạn đã nắm được hết khóa hoc, nội dung khóa học và ôn tập.
  • Nếu bạn đang học nhiều môn thi hơn trong cùng một thời điểm, hãy cố gắng thay đổi các chủ đề của bạn vì điều này sẽ giúp bạn giữ được sự hứng thú và xem các chủ đề như phần kiến thức rộng hơn.
  • Khi học tập trong suốt khóa học, hãy so sánh tiến độ của bạn với kế hoạch đặt ra, nếu cần hãy  lập lại kế hoạch (thêm thời gian học) hoặc nếu bạn cứ tiếp tục hãy làm thêm bài ôn tập/câu hỏi thực hành.
Học hiệu quả
Đọc hiệu quả
Bạn không muốn học vẹt, do đó bạn phải hiểu bạn đang đọc cái gì và bạn có thể sử dụng nó để vượt qua kỳ thi và phát triển khả năng thực hành tốt. Một kỹ thuật hay là SQ3Rs – Survey (Nghiên cứu), Question (Hỏi), Read (Đọc), Recall (Nhắc lại), Review (Xem xét):
  1. Nghiên cứu chương – hãy nhìn các tiêu đề và đọc giới thiệu, tóm tắt và mục tiêu để có sự tổng quát chương đó đang giải quyết điều gì.
  2. Hỏi – trong khi thực hiện sự nghiên cứu, hãy tự hỏi bản thân câu hỏi mà bạn hy vọng chương này sẽ hỏi bạn.
  3. Đọc toàn bộ chương, trả lời các câu hỏi và đảm bảo bạn có thể đáp ứng các mục tiêu. Cố gắng làm hết bài tập và hoạt động trong sách và làm toàn bộ tất cả các ví dụ.
  4. Nêu lại – cuối mỗi phần và cuối mỗi chương, hãy cố gắng hỏi nêu lại các ý chính của phần/chương này mà không nhìn vào sách. Điều này thực hiện tốt nhất sau khoảng thời gian nghỉ ngắn khoảng 2 phút sau khi đọc.
  5. Xem xét – hãy kiểm tra những ghi chú bạn nêu lại chính xác. Bạn cũng có thể thấy hữu ích khi đọc lại chương này.
Ghi chú
Ghi chú là một cách học hữu ích nhưng không phải đơn giản là sao chép bài trong sách. Ghi chú phải:
  • Theo ngôn ngữ của riêng bạn
  • Rõ ràng
  • Bao gồm các điểm chính
  • Cấu trúc mạch lạc
  • Được điều chỉnh khi bạn học các chương sau trong sách hoặc các phần liên quan.
  • Cố gắng tóm tắt một chương mà không nhìn sách có thể là một cách hữu ích để xác định phần nào bạn biết và phần nào bạn không biết.
Cách ghi chú
  • Tóm tắt những điểm chính của một chương
    • Viết ghi chú thẳng – một danh mục các tiêu đề được phân chia thành các tiêu đề phụ liệt kê những điểm chính. Nếu bạn sử dụng ghi chú thẳng, bạn có thể dùng nhiều màu khác nhau để làm nổi bật các điểm chính và các chủ đề chính với nhau. Dành nhiều khoảng trống để cho ghi chú dễ dàng sử dụng.
    • Viết theo dạng sơ đồ tư duy - chính là thể hiện suy nghĩ logic. Để tạo một suy nghĩ logic, hãy viết ý chính vào giữa trang giấy trong một vòng tròn. Sau đó vẽ những đường thẳng ngắn xuất phát từ đây đến các đường tròn khác chứa các ý phụ. Sau đó tiếp tục quá trình này từ các ý phụ đến các ý nhỏ hơn khác, ưu điểm, nhược điểm, v.v.
  • Làm nổi bật và gạch chân: Bạn có thể thấy hữu ích khi gạch chân hoặc làm nổi bật các điểm chính trong bài đọc của bạn – nhưng hãy chọn lọc. Bạn cũng có thể viết ghi chú bên lề.
Ôn tập
Cách tốt nhất để ôn tập là ôn lại toàn bộ khóa học bạn đã học. Hãy dành 4 – 6 tuần trước kỳ thi cho ôn tập lần cuối. Hãy chắc chắn bạn đã nắm được toàn bộ syllabus và chú ý đặc biệt vào các phần kiến thức bạn còn yếu. Dưới đây là một số gợi ý:
  • Đọc lại toàn bộ sách và các ghi chú của bạn và viết súc tích các ghi chú của bạn thành các cụm từ chính. Điều này có lẽ giúp bạn sắp xếp các điểm ôn tập chính vào các thẻ số để xem lại khi bạn có vài phút rành rỗi.
  • Xem xét lại các bài tập bạn đã hoàn thành và nhìn những chỗ bạn bị mất điểm – hãy học nhiều hơn vào các phần bạn làm kém.
  • Thực hành các câu hỏi chuẩn đề thi theo thời gian cho phép chuẩn. Nếu bạn bị thiếu thời gian, hãy liệt kê các điểm bạn sẽ đưa ra trong câu trả  lời và sau đó đọc câu trả lời mẫu, nhưng hãy cố gắng hoàn thành ít nhất một vài câu hỏi theo đúng thời gian chuẩn.
  • Hãy thực hành đưa ra các dự tính trả lời và so sánh chúng với câu trả lời mẫu.
  • Nếu bạn không hiểu và mắc kẹt ở một chủ đề, hãy gặp một ai đó (một giáo viên) để giải thích cho bạn.
  • Hãy đọc các báo và sách chuyên ngành hay, đặc biệt ACCA’s Student Accountant – có thể mang lại cho bạn sự thuận lợi trong bài thi.
  • Đảm bảo bạn biết cấu trúc của bài thi – bao nhiêu câu hỏi và loại câu hỏi bạn mong đợi sẽ trả lời. Trong quá trình ôn tập của bạn, hãy cố gắng thử tất cả các kiểu câu hỏi khác nhau bạn có thể được hỏi.

Trong phòng thi

Trong phòng thi


Bài viết này đưa ra các hướng dẫn các thí sinh thi các môn theo hình thức thi viết.
Chiến lược chung
  • Khi vào phòng thi, thí sinh dành vài phút đầu tiên đọc đề thi và dự tính dàn ý cho câu trả lời. Trong thời gian đọc đề thi, bạn có thể chú thích vào câu hỏi nhưng không được viết vào phần trả lời. Cụ thể là bạn nên dành thời gian này để chắc chắn bạn hiểu được các yêu cầu, nêu bật các từ khóa - keyword, xem xét những phần trong môn học liên quan và dự tính cách tính toán chính.
  • Phân chia thời gian: bạn phải phân bổ thời gian cho các câu hỏi theo tỷ lệ điểm đã cho. Gợi ý đưa rara cho bài thi ACCA là phân bổ 1,8 phút cho mỗi điểm đã cho, do đó câu hỏi 10 điểm nên được hoàn thành trong khoảng 18 phút.
  • Dành 5 phút cuối đọc toàn bộ câu trả lời của bạn và bổ sung hoăc sửa lỗi sai.
  • Nếu bạn hoàn toàn mắc kẹt với một câu hỏi, hãy dành một khoảng trống trong phần trả lời và sẽ quay trở lại câu đó sau. 
  • Nếu bạn không hiểu câu hỏi đang yêu cầu gì, hãy đưa ra các giả định của bạn. Ngay cả khi bạn không trả lời chi tiết như người chấm thi mong đợi thì bạn sẽ vẫn được một vài điểm nếu những giả định của bạn có lý.
  • Bạn nên làm mọi điều bạn có thể để tạo sự thuận lợi cho người chấm thi. Người chấm sẽ cảm thấy dễ dàng hơn để xác định những điểm bạn đã làm nếu các câu trả lời của bạn rõ ràng.
Nghiên cứu tình huống
Hầu hết các câu hỏi sẽ dưa trên những tình huống cụ thể. Để xây dựng một câu trả lời tốt, trước tiên hãy xác định những phần có vấn đề, phác thảo những nguyên tắc chính/lý thuyết chính bạn định sử dụng để trả lời câu hỏi, và sau đó áp dụng những nguyên tắc/lý thuyết này vào trường hợp này. Bạn cũng cần phải đưa thêm những ý kiến của mình cho tình huống nêu ra này.
Câu hỏi thử thách: Một số câu hỏi có thể bao gồm những yêu cầu ngắn theo kiểu thử thách. Câu trả lời của bạn cho câu hỏi thử thách cần trình bày theo cấu trúc rõ ràng. Câu trả lời nên bao gồm
  • Giới thiệu tóm tắt ngắn gọn,
  • Bài làm chính, và
  • Kết luận
Hãy trình bày thật súc tích. Cách tốt hơn là viết một ít về nhiều điểm khác nhau hơn là viết rất nhiều về một hoặc hai điểm.
Tính toán
Nhiều câu hỏi tính toán yêu cầu sử dụng một mẫu format chuẩn. Hãy đảm bảo rằng:
  • Bạn biết rõ những mẫu format này trước kỳ thi
  • Sử dụng những khung trình bày mà bạn được giảng viên hướng dẫn khi bạn tham gia các khóa học.
  • Các tính toán phải được trình bày rõ ràng, dễ hiểu
  • Nếu bạn nhớ công thức thì nên viết công thức xuống rồi cho số, dữ liệu vào công thức để tính ra kết quả. Làm như vậy sẽ giúp bạn gỡ được điểm nếu chẳng may kết quả tính toán bị sai nhưng bạn vẫn có được một số điểm nếu bạn viết đúng công thức.
Báo cáo
Một số câu hỏi yêu cầu bạn phải trình bày câu trả lời của bạn theo mẫu của một báo cáo (report) hoặc một bản ghi nhớ (memorandum) hoặc một dạng tài liệu khác. Vì vậy hãy sử dụng mẫu format chính xác – và bạn sẽ có những cơ hội đạt được một số điểm dễ dàng qua cách trình bày.

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

KINH NGHIỆM ĐỌC TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG ANH


KINH NGHIỆM ĐỌC TÀI LIỆU CHUYÊN NGÀNH BẰNG TIẾNG ANH


Nhiều bạn hỏi về các tự học ACCA. Tự học ACCA quan trọng nhất là khả năng ĐỌC HIỂU và TỪ VỰNG là nhân tố chính dẫn đến sự ĐỌC tiếp nhận thông tin và sau đấy não mới xử lý để HIỂU được.


Nhiều bạn thử đọc F3 ACCA rồi choáng vì vẫn dịch được nhưng không HIỂU. Từ ngày đầu tiên cầm quyển ACCA đến bây giờ cũng vài năm, đến bây giờ trình độ đọc hiểu (đọc phải hiểu) tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh của mình đạt mức có thể cầm sách và đọc luôn, rất ít khi tra từ điển.


Một quyển ACCA dài khoảng 500-700 trang mà nếu cứ ngồi đọc dịch + tra từ điển + hiểu thì chắc sẽ mất cả năm mới xong đối với người mới bắt đầu. Như vậy làm thế nào để có thể đạt được kỹ năng đọc phát là hiểu và không phải dò từ vựng nhiều mà vẫn đảm bảo hiểu được kiến thức?


Những gì mình chia sẻ sau đây là cực kỳ quan trọng và đòi hỏi phải TUÂN THỦ một cách nghiêm túc nhất trong quá trình học tập. Và đây là một số nguyên tắc trong quá trình đọc tài liệu của mình:


1. Gặp từ không quen không biết, không quan trọng, thiếu nó không ảnh hưởng gì thì mặc kệ nó. Giống như đi ngoài đường gặp một cô gái xinh mà không quen biết cũng chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc sống của mình thì nhìn một phát rồi thôi, không nên mất công tìm hiểu làm gì =)) Đừng cố đấm ăn xôi thấy từ mới là dò vì cực kỳ tốn thời gian và dò xong mà sau này không gặp lại cũng chẳng có gì nghĩa gì đâu.


2. Đoán nghĩa. Đoán được nó rồi thì thôi, đừng tốn time dò từ điển làm gì. Tuy nhiên trong trường hợp nó là từ định nghĩa quan trọng thì phải dò nhé!


3. Không biết + quan trọng + không thể đoán nghĩa => dò từ điển. Tuy nhiên dò xong đừng có cố “nhớ từ” làm gì. Ráp nghĩa vào cái đoạn văn đấy để hiểu ý của câu, đoạn. Nếu cố gắng nhớ từ theo một số phương pháp như đặt câu… thì ngồi đọc được khoảng 2-3 trang ACCA thì trong đầu sẽ có hàng trăm câu được đặt ra đấy). Não nó không tải được đâu và nó sẽ ra quyết định đóng sách lại và ĐI NGỦ đấy :)) Tốt nhất là làm cho nó thoải mái hiểu đoạn văn viết gì rồi next thôi.


4. Gặp từ đã dò nhưng không nhớ => DÒ LẠI Đây là thao tác quan trọng nhất. Thường thì gặp lại và dò đến khoảng chục lần thì sẽ nhớ nghĩa của nó là gì. Còn dò đến chục lần mà vẫn chưa nhớ thì lúc này mình mới tìm cách để ghi nhớ nó.


5. Dịch được hết rồi nhưng vẫn không hiểu. Có một số bước cần làm bổ sung:

– Đọc tổng quát lại một lần nữa.

– Sử dụng Google để xem thêm một số định nghĩa khác, tìm thêm ví dụ để đọc, xem kiến thức bằng tiếng Việt.

– Cách dễ nhất là hỏi người đã biết. Nhưng thường thì họ cũng không rảnh rỗi đến nỗi cứ hỏi là được trả lời ngay.


Tóm lại trong mấy cái trên, kể ra thì nhiều nhưng ngắn gọn lại thì nó chỉ toát lên hai từ “CHĂM CHỈ” và được ứng dụng ở chỗ:

– Chăm chỉ dò từ điển.

– Chăm chỉ tìm hiểu thêm nếu không hiểu.


Để đọc chương đầu tiên của FA1 mà tớ học thì tớ mất đến cả tháng ngồi dò từ điển liên tục (lúc ấy không có điện thoại hay máy tính để dò như bây giờ). Đến bây giờ có thể đọc và hiểu được kiến thức một quyển sách dài 700 trang trong vòng một tuần thì nó là sự tích lũy lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà có được. Ngồi đọc tài liệu về chuyên ngành rất khó hiểu và… buồn ngủ. Chiến thắng bản thân là cách tốt nhất để đạt được mục đích của học tập.


— Trương Đức Thắng (ACCA, CIA) —

Sử dụng hiệu quả các nguồn tài liệu ACCA (phần 2)








ACCA là chặng đường không hề dễ dàng để chinh phục. Bạn sẽ cần sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ, sự tập trung và cả một người bạn đồng hành – nguồn tài liệu cung cấp tri thức bất cứ khi nào bạn cần, giúp bạn vượt qua mọi khó khăn trong quá trình học và ôn luyện. Một điều dễ thấy là hầu như tất cả học viên ACCA đều biết đến trang web: http://www.accaglobal.com/uk/en/student/exam-support-resources.html nhưng không hẳn ai cũng biết cách sử dụng nguồn tài liệu quý giá này một cách hiệu quả.

1. Syllabus and study guide (SS) (dùng cho giai đoạn bắt đầu)

SS được thiết kế theo từng phần (part), trong mỗi phần sẽ có tên của từng chương, giống như một mục lục cho cuốn Study Text của bạn. Ngoài liệt kê tên của từng chương, SS còn nói thêm về nội dung chính của từng chương. Đây cũng chính là những kiến thức mà ACCA mong muốn và yêu cầu bạn nắm vững khi học xong môn này. Do đó, bước đầu tiên học ACCA là download SS và đọc kỹ nội dung.

2. Technical article (TA) (dùng trong quá trình học)

TA giống như một cuốn sách ôn tập nâng cao. TA bao gồm một loạt các bài viết của các giảng viên ACCA uy tín hoặc các giám khảo ACCA về một chủ đề nhất định, do đó, mỗi bài viết, tác giả sẽ cố gắng tóm gọn nội dung về chủ đề đó cũng như các ví dụ đi kèm. Vì được các chuyên gia tóm gọn nên đây là một tài liệu rất dễ hiểu và quan trọng đối với người tự học. Trong trường hợp bạn chưa kịp có đủ thời gian để đọc sách và làm bài tập, nếu đọc một bài TA về một chủ đề, bạn cũng đã nắm được những thông tin cần thiết nhất liên quan tới chủ đề đó.

Tuy nhiên, TA sẽ thực sự hữu hiệu nếu các bạn đã đọc sách, làm bài tập cơ bản tốt rồi và sau đó đọc TA như là một nguồn tài liệu bổ sung thôi.

3. Past exams (PE) (dùng ở giai đoạn ôn tập cuối cùng)


Đây là một trong những tài liệu quan trọng nhất của người học ACCA. Tài liệu này bao gồm nhiều đề thi và đáp án để các bạn có thể luyện tập. Luyện đề sẽ giúp các bạn rèn được khả năng quản lý thời gian – một kỹ năng rất quan trọng trong ACCA. Mỗi môn thi các bạn nên luyện tập làm được từ 5-7 đề.

4. Examiner report (ER) (dùng cùng lúc với lúc làm PE)

ER là bài tổng kết hàng kỳ của giám khảo sau quá trình chấm bài thi của hàng ngàn thí sinh trên toàn thế giới. Nội dung chính của ER là chỉ ra yêu cầu của giám khảo đối với thí sinh trong từng cầu hỏi một cũng như các lỗi sai của các thí sinh hay mắc phải. Vì thế, ER quan trọng bởi nó giúp chúng ta có thể biết được đâu là những lỗi sai hay gặp để tự nhắc nhở bản thân các lỗi sai đó.

Để ER thực sự phát huy tác dụng, sau khi làm đề thi và đọc đáp án, bạn hãy đọc ER để rút ra những lỗi sai của bản thân, đối chiếu với những lỗi giám khảo đưa ra. Chắc chắn sau khi làm từ 5-7 đề các bạn sẽ tránh được gần hết các lỗi sai đó.

Nguồn: Vũ Văn Định, ACCA

Thất bại trong phỏng vấn – bạn đã sai ở điểm nào?

Thất bại trong phỏng vấn – bạn đã sai ở điểm nào?




Kết thúc buổi phỏng vấn, bạn cảm thấy khá tự tin và đôi khi tự nhận thấy mình có một cuộc phỏng vấn thành công. Tuy nhiên, bạn lại không được tuyển dụng vào vị trí ứng tuyển. Bạn liên tục cập nhật CV của mình, tận dụng tối đa mạng lưới quan hệ và thường xuyên tham gia phỏng vấn nhưng vẫn chưa nhận được offer nào từ phía công ty.


Nếu vẫn còn đang băn khoăn không biết lý do vì sao và lỗi sai của mình là gì, lời khuyên chân thành là bạn nên tham khảo bài viết này để rút kinh nghiệm cho những lần phỏng vấn xin việc sắp tới.

1. Bạn đã không trung thực



Bất cứ lời nói dối nào quá trình tìm việc, dù trong CV hay buổi phỏng vấn đều sẽ khiến bạn tự đánh mất cơ hội của mình. Theo một thống kê của trang web CareerBuilder, 49% nhà tuyển dụng đã phát hiện ra ứng viên không trung thực và tự động loại bỏ họ. Do đó, bạn hãy thành thật ngay từ đầu.


Lỗi hay gặp nhất ở các bạn là thổi phồng thành quả công việc. Bạn nên nhớ rằng, với nhà tuyển dụng – người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc sẽ rất dễ dàng để nhận ra năng lực thật sự của bạn chỉ qua vài câu hỏi. Vì vậy, thay vì nói quá kết quả hoặc dùng bằng cấp để “che mắt” nhà tuyển dụng, bạn nên thể hiện sự tự tin của bản thân, khả năng phù hợp với vị trí ứng tuyển và mong muốn được học hỏi trau dồi thêm để hoàn thành tốt công việc này.

2. Bạn nói xấu công ty cũ


44% nhà tuyển dụng cho biết nói xấu công việc cũ hoặc hiện tại là một trong những sai lầm gây bất lợi nhất cho ứng viên. Kể cả khi không còn làm việc cùng họ, bạn cũng không nên trách móc, than vãn về những việc đã qua với người phỏng vấn. Nếu là người khôn khéo, bạn nên chuyển những điểm tiêu cực đó theo hướng tích cực hơn.


Ví dụ, nếu mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp không tốt, hãy nói với người phỏng vấn rằng bạn mong muốn được làm việc trong một môi trường mà mình là một phần trong nhóm,mọi người hòa hợp với nhau nhưng vị trí hiện tại ( hoặc cũ ) không làm bạn thỏa mãn về điều đó.

3. Bạn không thể hiện được tiềm năng dài hạn của mình


Nhà tuyển dụng luôn muốn tìm kiếm những người có khát khao cống hiến và làm việc tốt nhất cho công ty. Vì thế bạn hãy chứng tỏ mình muốn và có khả năng phát triển cùng tổ chức. Nếu được hỏi tới tương lai của bạn trong 5 năm tới, bạn lại đưa ra câu trả lời không liên quan tới vị trí hoặc công ty bạn đang dự tuyển, cơ hội thành công của bạn rất thấp.


Thay vào đó, hãy hỏi lại: “Ứng viên thành công cho vai trò này sẽ có bước tiến sự nghiệp ra sao trong công ty?”Điều đó chứng tỏ với nhà tuyển dụng rằng bạn có tham vọng gắn bó với công ty.

4. Bạn để lại bằng chứng không có lợi trên mạng


Các mạng xã hội và công cụ tìm kiếm trực tuyến là cách tìm việc phổ biến nhất hiện nay. Thống kê cho thấy 45% nhà tuyển dụng tìm người và kiểm tra qua Internet.


Do đó, hãy đảm bảo bạn không post ảnh, nội dung, đường link không lành mạnh như nói xấu công ty, sếp cũ trên mạng. Đừng đánh mất cơ hội chỉ vì những hành động nông nổi nhất thời của mình.

5. Bạn không biết gì về công ty


58% nhà tuyển dụng nói rằng tham gia cuộc phỏng vấn mà không có kiến thức cơ bản về công ty là điều không chấp nhận được. Bên cạnh đó, việc ứng viên không đặt ra câu hỏi hay cho nhà tuyển dụng cũng khiến họ đánh mất cơ hội làm việc của mình.


Để giải quyết vấn đề này, rất đơn giản, hãy tìm hiểu thông tin công ty, chuẩn bị câu trả lời và câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Sự chuẩn bị chu đáo sẽ giúp bạn được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

6. Bạn hành động buồn chán, tự kiêu hoặc không hứng thú trong cuộc phỏng vấn


Một trong những sai lầm lớn nhất của ứng viên là tham gia phỏng vấn với khuôn mặt buồn rầu, tự kiêu, không quan tâm. Lãnh đạo công ty luôn muốn nhân viên nhiệt tình làm việc, đặc biệt là khi gặp gỡ khách hàng. Do đó, khi tìm việc, ít nhất bạn nên chứng tỏ với nhà tuyển dụng nguồn năng lượng dồi dào, sự nhiệt tình của mình.


Khi tham gia phỏng vấn, bạn nên thể hiện sự quan tâm của mình đến vị trí ứng tuyển. Cuộc phỏng vấn là lúc nhà tuyển dụng xem khả năng của bạn có phù hợp không và bạn tự xét năng lực có đáp ứng yêu cầu công việc hay không. Hãy xem phỏng vấn là lúc bạn có được thông tin chính xác về vị trí của mình.

7. Bạn cung cấp quá chi tiết thông tin cá nhân


Cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân trong cuộc phỏng vấn là điều không cần thiết. Nhiều ứng viên nói quá nhiều về dân tộc, tôn giáo, sở thích,…mà quên mất mục đích chính của phỏng vấn. Điều này làm lãng phí thời gian nhà tuyển dụng và họ sẽ rất khó chịu vì điều đó. Do đó, đảm bảo thông tin bạn đưa ra là cần thiết và phù hợp.

8. Bạn chỉ quan tâm tới tiền bạc


Một nguyên tắc chung là bạn không bao giờ nên khơi mào vấn đề tiền lương trước nhà tuyển dụng. Làm vậy sẽ khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn chỉ quan tới tiền chứ không màng tới lợi ích của công ty.


Tuy nhiên, nếu vấn đề được đưa ra, hãy trung thực về mức lương trong quá khứ của bạn.

9. Bạn không hoặc không thể đưa ra ví dụ về thành tựu của mình



Công ty nào cũng muốn nhân viên chứng tỏ được khả năng của mình như làm tăng doanh thu, giảm chi phí sản suất,… Nếu tất cả những gì bạn có thể đưa ra là sự im lặng về thành công và không minh họa được mình sẽ cống hiến cho công ty ra sao, tất nhiên họ sẽ không hứng thú với bạn.


Hãy thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn là một người rất cầu toàn và rất tin tưởng vào bản thân mình. Và cho họ thấy bạn là người luôn luôn sáng tạo, đồng thời cũng rất kín đáo. Chính vì vậy, hãy thể hiện là chính mình hơn là việc bạn nói những câu thông thường.

10. Bạn không có đủ kinh nghiệm hoặc kiến thức chuyên môn phù hợp



Người quản lý không có nhiều thời gian để đào tạo, hướng dẫn nhân viên. Họ sẽ thiên về tuyển những nhân viên có sẵn kinh nghiệm và hiểu biết về chuyên môn công việc hơn là người chưa có. Vì thế bạn cần phải đưa ra được những minh họa cụ thể về kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng liên quan tới công việc.

Khuyến mại – những trường hợp bắt buộc phải đăng ký?

Khuyến mại – những trường hợp bắt buộc phải đăng ký?
Khuyến mại là một trong các quyền tự chủ trong kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo các nguyên tắc về thuế, một số trường hợp khuyến mại phải… đăng ký, nếu không sẽ không được miễn thuế GTGT. Cùng xem hướng dẫn của ngành thuế

1. Thanh lý hàng tồn kho phải đăng ký chương trình khuyến mại
 Nếu hàng tồn kho được bán thanh lý với giá thấp hơn mức giá ban đầu thì đây được xem là bán hàng giảm giá, bắt buộc phải đăng ký chương trình khuyến mại, đồng thời mức giảm giá tối đa không quá 50%
(Công văn số 50825/CT-TTHT ngày 28/7/2017)

2. Sale-off hàng cận “date” phải đăng ký với Sở Công thương
Hàng sắp hết “date”, nếu muốn “sale-off” (bán hạ giá), bắt buộc phải đăng ký chương trình khuyến mại. Mức sale-off tối đa không quá 50%. Sau khi kết thúc chương trình sale-off, phải thông báo kết quả khuyến mại với Sở Công thương.
(Công văn số 46425/CT-TTHT ngày 10/7/2017)

3. Khuyến mại hộ vẫn phải đăng ký
Theo Tổng cục Thuế, ngay cả khi doanh nghiệp thực hiện khuyến mại hộ hoặc khuyến mại theo ủyquyền cho đơn vị khác thì cũng phải đăng ký chương trình khuyến mại.
Nếu không đăng ký, hàng hóa, dịch vụ dùng cho khuyến mại sẽ không được miễn thuế GTGT.
(Công văn số 2179/TCT-CS ngày 24/5/2017)

4. Hàng thưởng khuyến mại, phải đăng ký mới được miễn thuế GTGT
“Thưởng hàng hóa cho khách hàng đạt doanh số” là một trong các hình thức khuyến mại. Nếu có
đăng ký chương trình khuyến mại thì hàng hóa thưởng khuyến mại mới được miễn thuế GTGT.
Ngược lại, nếu không đăng ký thì hàng thưởng khuyến mại phải chịu thuế GTGT.
(Công văn số 4054/CT-TTHT ngày 5/5/2017)

5. Khuyến mại theo ủy quyền vẫn phải đăng ký
Các Nhà phân phối nếu thừa ủy quyền của Nhà cung cấp thực hiện các chương trình khuyến mại
cho họ thì phải trực tiếp đăng ký chương trình khuyến mại với Sở Công thương (nếu khuyến mại
nội tỉnh) hoặc với Bộ Công thương (nếu khuyến mại toàn quốc).
Khi có đăng ký, hàng hóa mà Nhà phân phối khuyến mại cho khách hàng mới được miễn thuế
GTGT.
(Công văn số 925/CT-TTHT ngày 7/2/2017)

6. Tặng kèm Voucher phải đăng ký
Việc tặng kèm Voucher (Phiếu mua hàng) cho sản phẩm bán ra cũng được xem là một trong các
hình thức khuyến mại, theo đó phải đăng ký chương trình khuyến mại đối với hình thức bán hàng
này.
(Công văn số 7896/CT-TTHT ngày 16/8/2016)

7. Tặng quà cho khách hàng thân thiết phải đăng ký khuyến mại
Nếu có nhã ý tặng quà cho riêng khách hàng thân thiết thì đây cũng được xem là một hình thức
khuyến mại, nếu muốn miễn thuế GTGT đối với phần quà tặng thì phải đăng ký khuyến mại
(Công văn số 7458/CT-TTHT ngày 4/8/2016)

8. Khuyến mại “sổ tiết kiệm” phải đăng ký mới được hạch toán chi phí
Theo Cục thuế TP.HCM, hình thức tặng “sổ tiết kiệm” cho khách hàng đạt doanh số mua hàng
cũng phải tuân thủ quy định về đăng ký chương trình khuyến mại thì mới được tính vào chi phí
hợp lý.
(Công văn số 6723/CT-TTHT ngày 15/7/2016)

9. Thưởng tour du lịch phải đăng ký khuyến mại
“Thưởng tour du lịch” cho đại lý mua hàng đạt doanh số thuộc trường hợp khuyến mại dịch vụ.
Nếu muốn được hạch toán và miễn thuế GTGT đầu ra, doanh nghiệp cũng cần làm thủ tục đăng
ký chương trình khuyến mại với Sở Công thương.
(Công văn số 8193/CT-TTHT ngày 11/9/2015)

10. Hàng mẫu dùng thử miễn phí: phải đăng ký mới được miễn thuế GTGT
Đưa hàng mẫu cho khách hàng dùng thử miễn phí là một trong các hình thức khuyến mại đã được quy định tại Khoản 1 Điều 92 Luật thương mại số 36/2005/QH11 . Theo đó, nếu không đăng ký khuyến mại thì hàng mẫu đưa dùng thử phải chịu thuế GTGT.
(Công văn số 2691/CT-TTHT ngày 27/3/2015)


Nguồn: Luật Việt Nam