Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

Kinh Nghiệm Học & Thi F7 ACCA Từ Giảng Viên SAPP



Nếu bạn bắt đầu tìm hiểu về môn F7 ACCA, sẽ nhiều ý kiến cho rằng đây là môn học khó nhất trong các F nâng cao (ngay sau đó là F6, F8). Nguyên nhân đến từ nhiều phía như: sức ép thời gian làm bài, khối lượng kiến thức rộng, và yêu cầu cao về kỹ năng tính toán. Để vén bước màn bí mật về môn F7 ACCA và kinh nghiệm học & thi F7 ACCA hiệu quả, SAPP đã phỏng vấn giảng viên Nguyễn Đức Thái, hiện đang dạy môn F7 ACCA – Lập báo cáo tài chính. Anh Thái hiện đang là giảng viên ACCA tại SAPP Academy và có kinh nghiệm làm việc trong mảng tư vấn về Quản trị rủi ro tại EY Việt Nam.
1. Chào Anh Thái, anh có thể giới thiệu đôi nét về bản thân mình được không?


Chào em, anh là Nguyễn Đức Thái hiện đang dạy môn F7 – Lập báo cáo Tài chính trong chương trình học ACCA tại SAPP Academy. Trước đây anh từng làm Kiểm toán độc lập sau chuyển qua mảng tư vấn về Quản trị Rủi ro tại EY Việt Nam.
2. Để thi đỗ môn F7 ACCA, học viên có cần phải học cách chuẩn bị một báo cáo tài chính cho bên thứ 3?


Thực ra, những kiến thức bạn học được từ chương trình ACCA khá giống với những gì bạn sẽ làm trong thực tế. Trong trường hợp bạn đã có kinh nghiệm thực tế trong việc lập báo cáo tài chính hợp nhất thì những kinh nghiệm này sẽ hỗ trợ bạn nhiều trong quá trình học F7 ACCA. Tuy nhiên, yếu tố này không quyết định việc bạn đậu hay trượt môn học này.


Bạn không cần quá lo lắng về mặt kinh nghiệm thực tiễn trước khi bắt đầu học F7 ACCA. Việc có kiến thức nền tảng trước rồi áp dụng kiến thức đó vào công việc lập báo cáo tài chính sẽ thuận lợi hơn nhiều so với việc đi làm mà chưa có kiến thức căn bản về hợp nhất. Trong quá trình làm việc, bạn có thể tiếp tục trau dồi thêm kiến thức để nâng cao cơ hội nghề nghiệp của mình.
3. Nội dung của môn học này chú trọng tới mảng kiến thức nào?


Môn học này mục tiêu cuối cùng là giúp bạn chuẩn bị và đọc hiểu được một báo cáo tài chính hợp nhất bao gồm:
Bảng cân đối kế toán hợp nhất (Consolidated statement of financial position);
Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất (Consolidated statement of comprehensive income);
Báo cáo dòng tiền hợp nhất (Consolidated statement of cashflow);
Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu hợp nhất (Consolidated statement of change in equity);
Thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất (Note to financial statements).


Để làm được điều này đầu tiên bạn cần nắm vững về khung pháp lý và các nguyên tắc cơ bản lập báo cáo tài chính. Sau đó bạn sẽ được học cách nắm vững từng giao dịch đơn lẻ để hình thành lên các khoản mục trên báo cáo tài chính bao gồm tài sản cố định vô hình, tài sản cố định hữu hình, dự phòng các khoản phải thu khó đòi, dự phòng giảm giá hàng tồn kho…


Bạn sẽ tiếp tục được học những kỹ thuật xử lý các khoản phát sinh trong quá trình hợp nhất các báo cáo tài chính như lợi thế thương mại, lợi nhuận giữ lại sau hợp nhất… Và cuối cùng là cách phân tích và đọc hiểu báo cáo tài chính.









Hình 1: Chương trình học môn F7 (Nguồn ACCA)
4. Anh có thể chia sẻ cách phân bổ thời gian khi học F7 ACCA một cách hiệu quả? Học viên có cần phải làm hết bài tập trong revision kit để đậu điểm cao môn này không?


F7 là một môn khó của ACCA đối với học viên quốc tế do khối lượng tính toán nhiều và phức tạp nhưng lại không phải vấn đề quá lớn với các học viên Việt Nam với lợi thế về tính toán. Bên cạnh đó, F7 vẫn là 1 môn học cần nhiều thời gian luyện tập hơn các môn khác vì kiến thức rộng và bao phủ hầu hết các chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS/VAS). Thường thì trong quá trình ôn thi anh khuyên học viên nên dàn đều thời gian ôn luyện chứ không nên “no dồn, đói góp”. Tức là không nên để xảy ra tình trạng trong quá trình học không ôn tập kiến thức mà để dồn tới lúc gần thi mới ôn.

Phân bổ thời gian hiệu quả


Bạn sẽ có trung bình khoảng 10 – 15 tuần để ôn luyện để đảm bảo chắc chắn đỗ môn này.
5 – 10 tuần đầu tiên: Bạn nên ôn theo từng dạng bài và theo từng chuẩn mực kế toán quốc tế. Bạn có thể dùng 1 tuần 4 buổi tối, mỗi buổi tối 3 tiếng để tập trung học. Mỗi bạn có thể có thời gian biểu khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh.
5 tuần cuối cùng: Bạn ôn tập với các loại đề thi thử và past exam. Trong quá trình ôn thi F7, bạn nên chia các bài tập theo từng dạng phù hợp với tiến độ học và những gì giảng viên hướng dẫn để làm quen với việc áp dụng kiến thức vào giải từng tình huống cụ thể.


Bạn có thể tham khảo mẫu thời gian biểu như dưới đây:


Hình 2: Thời gian biểu học ACCA (Nguồn ACCA)
5. Cấu trúc đề thi F7 ACCA như thế nào?


Đề thi F7 ACCA mới cập nhật sẽ có 2 phần là phần A và phần B:
Phần A: 20 câu hỏi trắc nghiệm mỗi câu 2 điểm. Tổng điểm của phần A là 40 điểm. Kiến thức của 20 câu trắc nghiệm có thể rơi vào bất cứ phần nào trong môn F7 ACCA.
Phần B: 3 câu hỏi viết một câu 10 điểm và 2 câu 15 điểm. Tổng điểm của phần B là 60 điểm. Câu hỏi tự luận 10 điểm sẽ mang nội dung về chuẩn bị các bản báo cáo tài chính cho một công ty hoặc hợp nhất báo cáo tài chính của 1 tập đoàn. Đối với 2 câu 15 điểm, kiến thức cũng có thể rơi vào bất cứ phần nào trong môn F7 ACCA.


Trên thực tế, nội dung về hợp nhất báo cáo tài chính vẫn xuất hiện nhiều trong đề thi F7. Tuy nhiên bạn sẽ phải nắm vững tất cả những nội dung khác để làm bài thi tốt. Việc này cũng nhằm giúp bạn chuẩn bị tốt cho môn P2 ACCA – Báo cáo doanh nghiệp sau này.
6.Phần trọng tâm nhất và xuất hiện nhiều nhất trong đề thi F7 ACCA chiếm bao nhiêu điểm?


Phần hợp nhất báo cáo tài chính là trọng tâm và xuất hiện nhiều nhất trong đề thi F7 ACCA. Phần này thường chiếm 30 điểm của toàn bộ đề thi. Các phần khác thường là việc phân tích việc áp dụng các chuẩn mực kế toán quốc tế cho một tình huống thực tế.
7. Anh có thể chia sẻ thêm một số lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với những bạn đã thi xong môn F7 được không?


Khi hoàn thành môn F7, bạn có thể làm kế toán mảng hợp nhất trong các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, bạn còn nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác như: tư vấn kế toán, kiểm toán tài chính hoặc phân tích tài chính trong các khối doanh nghiệp Big4 và FDI.
8. Anh có điều gì muốn nhắn nhủ thêm với các học viên về môn F7 ACCA không?


F7 là một môn khó của ACCA nên cần khá nhiều nỗ lực để thi đỗ. Kiến thức của F7 khá rộng và dàn trải, yêu cầu thí sinh có kỹ năng quản lý thời gian tốt và trả lời đúng trọng tâm câu hỏi. Bạn cần đảm bảo ôn tập hết các phần của môn học này thay vì chỉ tập trung vào một số phần trọng tâm. Trong trường hợp xử lý hợp nhất không “cân” bạn vẫn cần giữ bình tĩnh xử lý các câu hỏi khác vì áp lực thời gian của môn F7 lớn. Chúc các bạn nỗ lực, kiên trì và may mắn trong quá trình học thi môn F7 ACCA.


Cảm ơn anh vì những lời chia sẻ. SAPP hy vọng những kinh nghiệm học & thi F7 ACCA của anh sẽ mang lại nhiều động lực và hứng thú hơn với các học viên trong quá trình học F7 ACCA.

Kinh Nghiệm Học & Thi F7 ACCA

F7 ACCA – Lập báo cáo tài chính là môn học không quá khó thi đỗ nếu như bạn có 1 mục tiêu và chiến lược học và ôn thi F7 ACCA rõ ràng ngay khi bắt đầu học – theo chia sẻ của bạn Nguyễn Vũ Khải. Kiến thức trọng tâm của môn F7 ACCA được phân bổ vào phần chính bao gồm: các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS, các khung khái niệm vào việc lập báo cáo tài chính cho các cá thể doanh nghiệp, cũng như đọc hiểu và phân tích báo cáo tài chính. Những kinh nghiệm học & thi F7 ACCA của bạn Nguyễn Vũ Khải, học viên đã hoàn thành 9/9 môn F ACCA, sẽ giúp bạn xây dựng lộ trình học F7 ACCA hiệu quả nhất.

1. Bạn có thể giới thiệu về bản thân và quá trình học ACCA của mình?

Chào các bạn, mình là Nguyễn Vũ Khải, sinh viên trường Đại học Thương mại. Hiện tại mình đang theo học chương trình ACCA, đã hoàn thành F1- F9 ACCA. Với số điểm môn F7 – Financial Reporting là 78/100.

Bắt đầu theo đuổi ACCA từ năm 2 đại học, cá nhân mình nhận thấy kiến thức ACCA mang lại khá hữu ích. Kiến thức môn học mang tính chuyên sâu, giúp mình hiểu rõ được bản chất của các vấn đề về ngành kế koán, kiểm toán và tài chính.

Ngoài ra, ACCA còn có những kiến thức rất hay về mảng tài chính và thuế.

2. Bạn có nhận xét gì về những khó khăn gặp phải trong môn F7 ACCA?

F7 ACCA là môn học lập báo cáo tài chính, giúp học viên hiểu và nắm vững cách áp dụng các khung khái niệm, các chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS/IAS. Việc lập các báo cáo tài chính hợp nhất cho tập đoàn và kết hợp đọc hiểu, phân tích báo cáo cũng là một trong những nội dung chính của môn học này.

Về kiến thức nằm trong môn F7 ACCA, mình thấy không hề khó. Bài tập tự luận trong môn F7 sẽ tập trung phần lớn về: hợp nhất (consolidated), bảng cân đối thử (trial balance), phân tích tỷ lệ (ratio) và dòng tiền (cash flow). Đây là những mảng kiến thức bạn đã được học trong môn F3 ACCA – Kế toán tài chính. Theo như kinh nghiệm đạt 90 điểm môn F3 ACCA của bạn Minh Khuê, mình thấy nắm vững nền tảng nguyên lý kế toán – tài chính trong môn F3 ACCA là đòn bẩy tốt giúp bạn học F7 ACCA hiệu quả.

Đa phần các khó khăn của môn F7 ACCA sẽ đến từ việc đọc hiểu và làm bài tập. Lí do nằm ở việc bạn chưa hiểu rõ bản chất của các dạng câu hỏi đề thi ACCA và lúng túng trong việc nhìn nhận ra vấn đề trong câu hỏi. Chính vì thế sẽ dẫn đến việc điểm thi F7 ACCA sẽ không cao như các môn khác. Pass rate môn F7 ACCA kỳ thi tháng 3 năm 2017 là 47% – theo ACCA.

3. Hoàn thành 9/9 môn F ACCA trong 2 năm không phải là 1 điều dễ dàng. Bạn đã đặt mục tiêu cho mình như thế nào để hoàn thành việc học ACCA nhanh chóng vậy?

Ngay khi bắt đầu môn học đầu tiên, mình đã phải xác định mục tiêu là có được kiến thức để áp dụng vào làm việc sau này chứ không phải là việc học chỉ để thi qua môn. Nếu suy nghĩ như vậy, quan điểm và cách tiếp nhận kiến thức của bạn sẽ thiên về việc hiểu rõ bản chất, vấn đề của kiến thức được tiếp nhận. Làm theo cách này, bạn sẽ thấy kiến thức học được khá thú vị. Từ đó sẽ chủ động hơn trong việc học hơn, mang lại sự hiệu quả về học tập hơn.

4. Bạn có thể chia sẻ thêm về cách tự học & ôn thi F7 ACCA của mình được không?

Theo quan điểm cá nhân, mình đánh giá quá trình tự học là yếu tố quan trọng nhất quyết định bạn có thi đỗ F7 ACCA hay không. Yếu tố này quan trọng hơn rất nhiều so với chiến lược làm bài thi hay đoán đề thi (cười).

Với mình nguồn tài liệu tuyệt vời nhất để ôn thi không chỉ cho môn F7 ACCA mà cho cả các môn khác của ACCA là past exam và study text ngoài ra còn có revision kit của nhà xuất bản BPP. Bạn có thể download bộ sách ACCA của BPP kỳ tháng 9 năm 2017 tại đây.

Bước vào quá trình ôn thi, mình sẽ làm lần lượt các past exam từ các năm gần nhất cho đến các năm về trước. Trung bình mình làm tầm 10 đề past exam là yên tâm đi thi. Mình sẽ làm trung bình 3 ngày 1 đề. Bạn có thể rút ngắn thành 2 ngày để thêm phần thử thách.

Để ôn thi F7 ACCA hiệu quả, mình áp dụng 2 cách ôn thi như sau.
  • Với 6 đề thi đầu tiên:


    Mình sẽ đọc đề trước và sau đó đọc luôn đáp án. Mục đích của mình là cố gắng đọc để hiểu cách giải câu hỏi đó và hiểu bản chất của vấn đề, tìm ra những điểm mà trước đây mình bị hiểu sai, bị nhầm lẫn về kiến thức trong câu hỏi đó. Nếu như vẫn chưa hiểu, nắm được nội dung có trong câu hỏi, mình sẽ tìm kiến thức liên quan có trong study text để đọc.
    Quy trình đọc của mình cũng có chút khác biệt, theo trình tự đọc phần case study (phần ví dụ) trước, lý thuyết sau. Sau khi hiểu được cách giải và nắm được kiến thức giải được câu hỏi đó, mình mới bắt tay vào giải bài tập.
    Trong trường hợp mình đã đọc sách nhưng chưa hiểu câu hỏi, mình sẽ tạm thời đánh dấu câu hỏi đó và nhờ giải đáp của thầy cô bạn bè sau.
    Về cách thức trình bày bài thi: Bạn hãy cố gắng giải theo hình thức của past exam answer. Bởi vì cách giải của examiner đa phần là khá khoa học, dễ nhìn, dễ hiểu.
  • Với 4 đề thi sau:


    Mình sẽ áp dụng cách học theo trình tự: đọc past exam, làm đề rồi sau đó mới xem đáp án. Sau khi xem đáp án, nếu có phần nào mình vẫn không hiểu thì mình lại áp dụng cách học dùng study text như trên.
    Lời khuyên của mình dành cho bạn đó là: Bạn nên để ý tới lượng kiến thức bạn sẽ thu nhận được thay vì làm mọi cách để có được kết quả đúng như phần đáp án trong suốt quá trình ôn thi.

5. Bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm gì để làm bài thi F7 ACCA hiệu quả không?

Mình xin chia sẻ 2 yếu tố bạn cần nắm vững để làm bài thi F7 ACCA hiệu quả, đó là:
  • Nắm chắc cấu trúc đề thi F7 ACCA:


Cấu trúc đề thi F7 ACCA từ tháng 9/2016 đến nay vẫn chưa có thay đổi, cụ thể:
Phần A: 30 điểm, gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm (Muiltiple choices questions) sẽ hỏi bạn những kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế IAS.
Phần B: 30 điểm, gồm 15 câu hỏi trắc nghiệm (Scenario questions) tương ứng với 3 case study được đưa ra.
Phần C: 40 điểm, bao gồm 2 câu hỏi lớn. Kiến thức của phần C có thể rơi vào một trong các chủ đề sau: Lập báo cáo hợp nhất – consolidated report, Bảng cân đối thử – trial balance, phân tích ratio and cash flow.
  • Quản lý thời gian hiệu quả

Điều quan trọng trong quá trình làm bài thi đó là phân bổ thời gian hợp lý. Mình đã phân bổ thời gian làm bài như sau:
Phần A: 15 phút đầu đọc đề mình tiến hành làm phần trắc nghiệm luôn. Thời gian cho phép làm 15 câu trắc nghiệm phần A là 30 điểm x 1.8 phút = 54 phút.
Phân B: tương tự mình dành 54 phút.
Phần C: Thời gian còn lại 87 phút mình chia đều cho 2 câu bài tập lớn.

6. Một số lưu ý trong quá trình thi F7 ACCA là gì?


Trong quá trình thi, bạn nên tối ưu hóa số thời gian làm bài của mình 1 cách tốt nhất, tránh việc bị thiếu thời gian làm các câu bài tập lớn. Câu nào dễ bạn hãy làm trước, câu nào khó quá bạn để đến khi hoàn thành các câu hỏi hẵng nên quay lại. Đối với 2 câu bài tập lớn phần C, bạn cố gắng làm đúng từng ý nhỏ, vì với mỗi ý bạn làm đúng sẽ được tính điểm luôn tại phần đó.

Không nên đặt nặng việc lên báo cáo tài chính cân hay không cân, vì đa phần khi làm bài khả năng cân là rất ít. Ví dụ trong đợt thi của mình, ở phần C có một bài cân và một bài không cân. Tuy nhiên mình vẫn bỏ qua việc cân hay không cân của bài đó, chú trọng vào việc rà soát lại từng ý nhỏ để không bỏ qua điểm nào.

7. Bạn có lời nhắn nhủ gì đến các bạn sinh viên đang chuẩn bị cho kỳ thi môn F7 ACCA không?

Không chỉ riêng F7 ACCA, mà còn với tất cả các môn ACCA, việc làm bài tập là yếu tố quyết định bạn có thể nắm chắc kiến thức nền của môn học được hay không. Thay vì phụ thuộc vào bài giảng trên lớp, mình thấy việc tự tìm kiếm 1 cách học giúp mình học và thi F7 ACCA hiệu quả hơn. Đừng bỏ cuộc nhé, bạn học có tâm là sẽ thi đỗ hết thôi. Nếu bạn học theo cách của mình là không trượt môn nào đâu, chỉ thi không được cao lắm thôi (cười).

Cảm ơn bạn với những chia sẻ hết sức độc đáo, chúc bạn sẽ đạt được thành công trong công việc hiện tại của mình.

Vì sao tôi thi đỗ môn F7?

Vì sao tôi thi đỗ môn F7?

Có thể không phải học viên nào cũng giống như tôi, vì vậy mong rằng những chia sẻ của tôi ở đây là những điều các bạn đã quá rõ và đang thực hiện. Tôi mong sao là như vậy. Tôi không học chuyên ngành kế toán, hiện tại, tôi đang thất nghiệp và quyết định dành thời gian để học môn F7 trong thời gian tìm kiếm công việc. Tôi cũng biết rằng nhiều học viên ACCA đang làm nghề kế toán, tài chính, kiểm toán… vì vậy, kiến thức được tích lũy và áp dụng hàng ngày, khác với tôi rất nhiều. Nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trong hoàn cảnh như tôi, nghĩa là không có chuyên ngành kế toán, vẫn có thể thi đỗ môn F7. Vậy tôi đã thi đỗ môn F7 thế nào?
Làm mới/ ôn tập kiến thức của mình Đọc nội dung môn học, tôi hiểu rằng môn F7 có gắn kết rất chặt chẽ với môn F3. Vì vậy, đầu tiên tôi hiểu rằng mình phải ôn tập, thực ra, là làm mới lại kiến thức của mình. Giở sách môn F3 ra, cảm giác đầu tiên của tôi là cái gì mình cũng biết, mà mình không biết mình cần tìm hiểu, đọc, làm mới chỗ nào. Cũng may mà tôi nhận được một lời khuyên truy cập vào một trang e-learning của một Công ty kiểm toán lớn trên thế giới, có một module học về các IAS, và theo nội dung của môn học, tôi “làm mới” từng chuẩn mực đã học ở F3. Những case study thực tế xây dựng trên module ấy làm tôi hiểu rõ hơn những chỗ tôi mới lờ mờ hiểu, và tôi thấy mình không bị nhàm chán khi ôn lại những kiến thức này trước khi bắt đầu đi học F7. Tôi tiếp tục “làm mới” cả những kiến thức chưa cũ, nghĩa là những kiến thức vừa học ở lớp F7 tôi đang theo học. Và  với cách này, tôi cảm thấy các IAS như ngấm dần vào mình, chứ không còn trôi tuột đi theo lời giảng của cô giáo nữa.
Đọc sách text book một cách nghiêm túc Tôi thấy thật kỳ lạ khi nghe một số lời khuyên là thi môn F7 không cần đọc text book, chỉ cần làm bài tập hoặc lecture note của cô giáo là đủ. Cũng may là cô giáo tôi khuyên chúng tôi nên đọc text book, động viên chúng tôi rằng sách textbook là nguồn tài liệu chính thống và rất hay, rất nên đọc. Có đọc sách, tôi mới hiểu ra nhiều khái niệm dễ nhầm lẫn, thậm chí các ví dụ rất đơn giản trong đời thường mà tôi không ngờ là đang được áp dụng trong các chuẩn mực kế toán. Đọc sách, tôi mới hiểu sự liên quan đến nhau giữa các chuẩn mực kế toán, và cung cấp cho tôi cái nhìn toàn diện hơn về một môn học không được học chuyên ngành ở trường đại học.
Lưu ý những phần quan trọng Qua những buổi học môn F7, tôi hiểu ra rằng có những phần quan trọng và liên quan đến nhau rất nhiều. Ví dụ như câu hỏi số 2, luôn luôn là lập báo cáo tài chính. Thậm chí, môn F3 tôi đã được học phần này, nhưng ở môn F7, cách câu hỏi đưa các note thêm vào làm bài tập này phức tạp hơn nhiều lần. Nói cách khác, không thể làm được câu này nếu không học trọn vẹn các IAS, vốn sẽ xuất hiện như một dạng note.Tuy nhiên, lập báo cáo tài chính lại là một kỹ năng cần phải làm thành thạo, vì tất cả các kỳ thi đều xuất hiện dạng bài này. Vì vậy, tôi đã đưa ra một chiến lược cho riêng mình: Phân tích câu hỏi của các bài tập và làm dần các bài đơn giản (các note không quá phức tạp, đã học ở F3, hoặc ít nhất trên lớp F7 cô giáo đã dạy đến IAS đó…). Và thật kỳ lạ là mỗi tuần tôi chỉ làm 2, 3 bài tập lập báo cáo, thì đến khi thi, tôi cũng vẫn giữ nguyên tốc độ đó chứ không phải làm hàng vài chục bài để luyện vào ngày chót. Điều này giúp tôi có kỹ năng trong một thời gian dài, và việc phân tích đó giúp tôi nắm được những chuẩn mực nào hay có câu hỏi thi, và tôi không hề bất ngờ với đề thi môn F7 khi ở trong phòng thi nữa.
Lập kế hoạch hiệu quả Để làm được điều vừa nói, tôi đã phải lập một kế hoạch học tập, và cố gắng theo đuổi kế hoạch của mình. Có một tuần tôi bị ốm, tôi cảm thấy mình lo lắng và sốt ruột kinh khủng vì không theo được kế hoach của mình. Nhưng cô giáo tôi đã động viên tôi để điều chỉnh kế hoạch thực tế hơn, tính cả đến thời gian nghỉ ngơi, bạn bè… để giảm áp lực cho bản thân mình. Tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng khi làm được điều đó.
Tầm quan trọng của trình bày bài viết Shakespeare rất thông minh, quan trọng hơn là ông ấy biết khán giả của ông ấy là ai. Tôi nghĩ vậy và cũng tập trình bày bài thi theo cách đó. Tôi có biết một số bạn học viên, đi học writing English hoặc học IELTS để đi thi ACCA. Vấn đề là, chúng ta trình bày bài thi cho examiners của ACCA, chứ không phải viết văn để đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS. Và vì vậy, tôi cố gắng đạt đến kết quả mà examiners mong muốn: rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. Những lần trình bày đầu tiên, tôi so lại với bài giải của examiners hoặc nhờ cô giáo trợ giúp, đặc biệt, tôi nói rõ mong muốn về cách trình bày của mình. Cô giáo tôi có lời khuyên về việc trình bày theo ý của riêng mình, cốt sao đạt được sự mạch lạc và rõ ràng, thay vì cố gắng làm giống như examiners đã làm. Tôi thấy tự tin hơn hẳn vì được tự suy nghĩ và trình bày, sau vài lần được cô giáo giúp đỡ, tôi đã thấy bài làm của mình sáng sủa và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Make my own guides / Hướng dẫn chính mình Thay vì chỉ làm bài tập, tôi tự đưa ra những cách làm từng câu hỏi cho mình, và ghi ra theo từng bước, từng bước. Các bước cụ thể từ việc đọc đề, dùng bút đánh dấu các chỗ cần chú ý, đến lập template báo cáo, làm workings… cho từng câu 1, câu 2, câu 3, câu 4, câu 5… tôi đều ghi ra cụ thể. Việc này giúp cho tôi có thể nhìn lại và tự cải tiến trong quá trình làm bài, để tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Luyện tập, luyện tập và luyện tập Đúng thực là không có phương pháp nào tốt hơn là luyện tập. Nhưng thú nhận với các bạn là tôi không quá chăm học đến nỗi có thể làm toàn bộ bài tập, nhưng những bài tập quan trọng tôi luôn làm luôn trong tuần đó, chỉ khoảng 2 bài/ tuần thôi. Cùng với những việc trên, tôi thấy thời gian học không phải là quá nhiều, và quan trọng hơn hết, là tôi thi đỗ với điểm số mong muốn và thấy rất yêu thích môn học này. Vì những lý do đó, kỳ tới, tôi đã sẵn sàng cho môn thi P2.
Mong rằng các bạn sẽ áp dụng được đâu đó những tips nhỏ mà không nhỏ của tôi, các bạn nhé :)

Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Cách hợp thức hóa khoản chi không có hóa đơn, chứng từ

Cách hợp thức hóa khoản chi không có hóa đơn, chứng từ

Thực tế rất nhiều doanh nghiệp phải đi mua hàng của người dân, thuê tài sản, dịch vụ của cá nhân mà không có hóa đơn, chứng từ nhưng không biết cách đưa khoản chi đó vào chi phí hợp lý trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Để phần nào giúp quý doanh nghiệp đảm bảo được lợi ích chính đáng của mình, nay THƯ VIỆN PHÁP LUẬT xin chi sẻ một số nội dung quan trọng qua bài viết này.
Thông tư 96/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp quy định về vấn đề này như sau:
2.4. Chi phí của doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN kèm theo Thông tư số 78/2014/TT-BTC) nhưng không lập Bảng kê kèm theo chứng từ thanh toán cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp:
- Mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra;
- Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra;
- Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt;
- Mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra;
- Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm).
Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực. Doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ được phép lập Bảng kê và được tính vào chi phí được trừ. Các khoản chi phí này không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua hàng thì cơ quan thuế căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường xác định lại mức giá để tính lại chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Như vậy, để đưa chi phí mua hàng không có hóa đơn vào chi phí hợp lý thì cần làm đúng theo hướng dẫn sau đây:
1. Nếu doanh nghiệp mua hàng của người dân, mua tài sản, dịch vụ của hộ, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra (Những mặt hàng được liệt kê theo mục 2.4 của Thông tư 96 nêu trên) không phân biệt trên hay dưới 100.000.000 đồng/năm thì cần có:
- Hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ;
- Chứng từ thanh toán (Có thể thanh toán bằng tiền mặt vì không có hóa đơn);
- Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ;
- Bảng kê mua hàng không có hóa đơn Mẫu 01/TNDN.
2. Nếu mua hàng, dịch vụ của của cá nhân, hộ kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên): - Trường hợp có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100.000.000 đồng/năm) thì cần:
+ Hợp đồng mua bán;
+ Chứng từ thanh toán (Có thể thanh toán bằng tiền mặt vì không có hóa đơn);
+ Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ;
+ Bảng kê mua hàng không có hóa đơn Mẫu 01/TNDN.
- Trường hợp có mức doanh thu từ (100.000.000 đồng/năm trở lên) thì cần:
+ Hợp đồng mua bán;
+ Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ;
+ Hóa đơn bán hàng;
+ Chứng từ thanh toán qua ngân hàng (vì có hóa đơn).
Yêu cầu: Cá nhân, hộ kinh doanh lên Cơ quan thuế để mua hóa đơn bán hàng viết cho doanh nghiệp (Cụ thể, cá nhân, hộ kinh doanh sẽ phải nộp lệ phí môn bài, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân sau đó cơ quan thuế sẽ cấp hóa đơn bán hàng).
Thanh Hữu

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Những trang web hữu ích mà Kế toán cần phải biết để phục vụ công việc


Những trang web hữu ích mà Kế toán cần phải biết để phục vụ công việc
Làm kế toán không phải chỉ hạch toán Nợ – Có mà bên cạnh đó phải giao dịch với các cơ quan khác như Thuế, BHXH, Hải quan và tìm thông tin để hỗ trợ công việc.
Vì thế, nếu bạn làm Kế toán bạn phải biết những trang web này:
A- THUẾ
01 – Trang web của Tổng cục Thuế:
02 – Trang tra cứu thông tin người nộp thuế:
03 – Trang tra cứu thông tin về hóa đơn:
04– Quyết định cưỡng chế hóa đơn:
05– Nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng:
06– Nộp thuế điện tử:
07 – Tra cứu thông tin của hộ, cá nhân kinh doanh:
08 – Tra cứu mã số thuế TNCN:
09– Cá nhân và Tổ chức chưa sử dụng chữ ký số gửi tờ khai Quyết toán thuế, đăng ký người phụ thuộc:
10– Gửi tờ khai cấp mã số thuế qua cơ quan chi trả:
Từ ngày 08/03/2018, hệ thống TNCNonline ngừng cung cấp dịch vụ gửi các tờ khai Quyết toán thuế TNCN, tờ khai Đăng ký cấp
mã số thuế người phụ thuộc (mẫu 02TH). Hệ thống TNCNonline giữ lại chức năng Gửi tờ khai cấp mã số thuế qua cơ quan chi trả
(Mẫu 01-TNCN) và các chức năng Tra cứu dữ liệu. Do vậy đề nghị Doanh nghiệp, Cá nhân, Tổ chức thực hiện:.
– Doanh nghiệp gửi tờ khai Quyết toán thuế TNCN, đăng ký cấp mã số thuế người phụ thuộc qua trang
http://kekhaithue.gdt.gov.vn hoặc trang http://thuedientu.gdt.gov.vn.
– Cá nhân và Tổ chức chưa sử dụng chữ ký số gửi tờ khai Quyết toán thuế, đăng ký người phụ thuộc qua trang
– Với tờ khai Đăng ký cấp mã số thuế qua cơ quan chi trả (mẫu 01-TNCN): Tổ chức chi trả vẫn gửi tờ khai qua trang
 cho đến khi có thông báo thay đổi của cơ quan Thuế
11- Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế:
B-  HẢI QUAN
12– Tra cứu diễn biến nộp thuế của tờ khai hải quan:
13– Tra cứu thông tin nợ thuế:
14 – Tra cứu biểu thuế nhập khẩu tổng hợp:

C- BHXH

15- Nộp BHXH thông qua cổng giao dịch điện tử nếu dùng KBHXH:
16– Tra cứu mã số bảo hiểm xã hội:
17 – Tra cứu cơ quan bảo hiểm:
18 – Tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động:
19– Tra cứu giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế:

20 – Tra cứu đơn vị tham gia BHXH:


Thứ Tư, 22 tháng 11, 2017

Điểm mới về hạch toán tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT- BTC

Điểm mới về hạch toán tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT- BTC


Theo Thông tư số 200/2014/TT/BTC ngày 22/12/2014 (viết tắt là TT200) của Bộ Tài chính, các vấn đề liên quan đến tỷ giá hối đoái có rất nhiều điểm mới. Đầu tiên là VAS 10 và Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, sau đó là Thông tư 201/2009/TT-BTC, Thông tư 179/2012/TT-BTC. Thông tư 179 ra đời không những có sự thống nhất với chuẩn mực kế toán Việt Nam mà còn hướng đến chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 21. Một số điểm bất cập về xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái đã được hoàn thiện, gỡ bỏ sự tranh cãi giữa VAS và thông tư hướng dẫn trước đây. Đồng thời, cũng cho thấy sự thống nhất với IAS, tạo tiền đề thu hẹp dần khoảng cách giữa kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế.
Theo Thông tư 200, việc đánh giá các giao dịch phát sinh liên quan đến ngoại tệ còn dựa trên góc độ tiền tệ hay phi tiền tệ, có một vài điểm mới về nguyên tắc hạch toán ngoại tệ và nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, cụ thể

Thứ nhất, về nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế
(1) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ: Theo Quyết định 15 thì nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá giao dịch thực tế hoặc tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Quy định cho từng trường hợp cụ thể như sau:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi) là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng thương mại (NHTM);
- Trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì DN ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN mở tài khoản (TK) để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của NHTM nơi DN dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các TK phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của NHTM nơi DN thực hiện thanh toán.
(2) Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập báo cáo tài chính (BCTC): 
Theo Quyết định 15, đánh giá theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do NHNN Việt Nam công bố tại thời điểm lập BCTC. Theo Thông tư 200, thì đánh giá theo tỷ giá công bố của NHTM nơi DN thường xuyên có giao dịch (do DN tự lựa chọn) theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của NHTM nơi DN thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập BCTC. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi DN mở TK ngoại tệ.
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của NHTM tại thời điểm lập BCTC;
- Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.

Thứ hai, về nguyên tắc xác định tỷ giá ghi sổ
Tỷ giá ghi sổ gồm: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (tỷ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập).
- Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh: Là tỷ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, được xác định theo tỷ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc tại thời điểm đánh giá lại cuối kỳ của từng đối tượng.
- Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động là tỷ giá được sử dụng tại bên Có TK tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên Nợ TK tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán. Như vậy, theo Thông tư 200/2014 DN chỉ sử dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động trong khi đó theo Quyết định 15/2006 thì có thể lựa chọn 1 trong các phương pháp: tỷ giá đích danh, tỷ giá bình quân gia quyền cả kỳ dự trữ, tỷ giá bình quân gia quyền di động, tỷ giá nhập trước xuất trước (FIFO).

Thứ ba, về nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
(1) Đối với giao dịch về bán hàng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng:
* Trường hợp khách hàng trả chậm hoặc thanh toán ngay: 
- Kế toán ghi nhận doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo tỷ giá thực tế của ngày giao dịch là tỷ giá mua của NHTM nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán:
Nợ TK 1112/ 1122/ 131
Có TK 511
- Khi khách hàng thanh toán, kế toán ghi:
Nợ TK 1112/ 1122: Theo tỷ giá thực tế ngày thanh toán
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá 
Có TK 131: Theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh ngày bán hàng
* Trường hợp khách hàng đã ứng trước tiền hàng: 
- Khi nhận tiền ứng trước của khách hàng, kế toán ghi theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN chỉ định khách hàng thanh toán
Nợ TK 1112/ 1122
Có TK 131 
- Khi giao hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng tương ứng với số tiền ứng trước, kế toán ghi nhận doanh thu, thu nhập theo đúng tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước tiền của người mua.
Nợ TK 131/Có TK 511
- Trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng đã ứng trước một phần tiền hàng, ta cần xác định được doanh thu tương ứng với giá trị đã ứng trước để ghi nhận theo đúng tỷ giá đã ghi ngày nhận trước tiền còn doanh thu tương ứng phần chưa ứng trước sẽ sử dụng tỷ giá thực tế ngày giao dịch là tỷ giá mua tại ngân hàng mà DN chỉ định khách hàng thanh toán.
* Trường hợp bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ có phát sinh thuế xuất khẩu. Do thuế xuất khẩu sẽ phải áp dụng tỷ giá do hải quan quy định nên phương pháp hạch toán sẽ có một vài điểm khác biệt như sau:
- Đối với trường hợp khách hàng thanh toán ngay hoặc trả chậm:
Nợ TK 1112/ 1122/ 131: Tỷ giá mua của NHTM
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 511: Tỷ giá mua của NHTM
Có TK 3333: Tỷ giá hải quan quy định
- Đối với trường hợp khách hàng đã ứng trước tiền hàng:
Nợ TK 131: Tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước tiền
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 511: Tỷ giá đã ghi sổ tại thời điểm nhận trước 
Có TK 3333: Tỷ giá hải quan quy định
(2) Đối với giao dịch mua tài sản, vật tư, hàng hóa, dịch vụ:
* Trường hợp mua thanh toán ngay, kế toán ghi nhận:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642/ 133....: Tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi DN thường xuyên giao dịch
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
* Trường hợp mua trả chậm:
- Khi phát sinh giao dịch mua, kế toán ghi theo tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng nơi DN thường xuyên giao dịch:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642/ 133....
Có TK 331
- Khi thanh toán nợ cho nhà cung cấp, kế toán ghi:
Nợ TK 331: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh ngày phát sinh giao dịch mua
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá.
* Trường hợp ứng trước tiền cho nhà cung cấp:
- Khi ứng trước tiền cho nhà cung cấp, kế toán ghi:
Nợ TK 331: Tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng mà DN thường xuyên giao dịch
Nợ TK 635: Chênh lệch lỗ tỷ giá
Có TK 1112/ 1122: Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động
Có TK 515: Chênh lệch lãi tỷ giá
- Khi nhận vật tư, hàng hóa, tài sản và dịch vụ từ nhà cung cấp, kế toán ghi theo tỷ giá đã ghi sổ ngày ứng trước tiền:
Nợ TK 152/ 156/ 211/ 641/ 642.....
Có TK 331
- Trường hợp giá trị tài sản và dịch vụ nhận lớn hơn số tiền ứng trước, kế toán cần tách riêng giá trị tài sản, dịch vụ tương ứng với phần ứng trước sẽ ghi theo tỷ giá ghi sổ ngày ứng trước và giá trị tài sản, dịch vụ tương ứng với phần chưa ứng trước sẽ ghi theo tỷ giá bán của ngân hàng mà DN thường xuyên giao dịch.
(3) Đối với các giao dịch phát sinh bằng ngoại tệ thì bên Nợ của các TK Vốn bằng tiền được ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế. Riêng trường hợp rút ngoại tệ từ ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt thì ghi theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động của TK 1122 và trường hợp rút quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ gửi vào ngân hàng thì ghi theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động của TK 1112. Đây chính là điểm khác biệt của Thông tư 200 so với Quyết định 15. Vì theo Quyết định 15, bên Nợ của các TK Vốn bằng tiền luôn được ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế. 

Thứ tư, về nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Là các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ có thể bao gồm:
(1) Tiền mặt, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ;
(2) Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
- Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và DN sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
- Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc DN không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
c) Các khoản đi vay, cho vay dưới mọi hình thức được quyền thu hồi hoặc có nghĩa vụ hoàn trả bằng ngoại tệ.
d) Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ; Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải hoàn trả bằng ngoại tệ.

Như vậy, ta có thể thấy sự khác biệt lớn nhất giữa Thông tư 200 và Quyết định 15 chính là việc đánh giá các giao dịch phát sinh trong kỳ và các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào cuối kỳ dưới góc độ tiền tệ và phi tiền tệ. Đối với các giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản như Quyết định 15). Tương tự đối với các giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập như Quyết định 15). Do đó, theo Thông tư 200 sẽ không phát sinh chênh lệch tỷ giá hối đoái đối với các giao dịch phi tiền tệ. Ngoài ra, chỉ các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ mới được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ khi đánh giá vào cuối kỳ. Bên cạnh đó, tỷ giá thực tế ngày giao dịch theo tinh thần của Thông tư 200 là tỷ giá mua hoặc bán tại NHTM mà DN thường xuyên giao dịch cũng phù hợp thực tế và tạo thuận lợi cho các DN khi áp dụng hơn so với quyết định 15 quy định các DN phải sử dụng tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng
Trên đây là một số trao đổi về tỷ giá hối đoái theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Hy vọng, những ý kiến trao đổi trên đây sẽ giúp các kế toán viên vận dụng một cách phù hợp với điều kiện cụ thể tại đơn vị mình./.


Tài liệu tham khảo


1. Thông tư số 200, 179, 201, TT 105;
2. Quyết định 15, QĐ 165.
 
Th.s Đoàn Thị Hồng Nhung - Th.s Vũ Thị Kim Lan * 
(* Đại học Thăng Long)             
                                         

Tỷ giá để xác định doanh thu và chi phí bằng ngoại tệ

Tỷ giá để xác định doanh thu và chi phí bằng ngoại tệ

Thông tư 219/2013/TT-BTC và thông tư 78/2014/TT-BTC quy định việc xác định doanh thu và chi phí theo tỷ giá liên ngân hàng. Nhưng theo Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định việc tỷ giá được xác định theo tỷ giá mua vào hoặc bán ra của ngân hàng thương mại. Vậy doanh nghiệp thực hiện xác định nghĩa vụ thuế có được thực hiện theo Thông tư 200/2014/TT-BTC không?
ty-gia-ghi-nhan-doanh-thu
Thông tư 219/2013 tại Điều 7, Khoản 22 quy định giá tính thuế như sau:
“Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.”
Như vậy, người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu.
Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 3, Khoản 6 quy định về phương pháp tính thuế như sau:
6. Doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí, thu nhập khác bằng ngoại tệ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
Như vậy, doanh nghiệp có doanh thu, chi phí và thu nhập khác bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Namm công bố.
Theo các quy định trên doanh nghiệp phải quy đổi doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Tuy nhiên Thông tư 200/2014/TT-BTC tại Điều 69 quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế quy định doanh nghiệp phải quy đổi doanh thu, chi phí bằng ngoại tệ như sau:
“1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:
  1. a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.”
Theo quy định trên thì
+ Doanh nghiệp phát sinh doanh thu tức là khi ghi nhận khoản nợ phải thu hoặc khách hàng thanh toán luôn thì thực hiện theo tỷ giá mua vào của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Doanh nghiệp phát sinh các khoản chi phí tức là khi doanh nghiệp ghi nhận khoản nợ phải trả hoặc khách hàng thanh toán luôn thì thực hiện theo tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại của doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm phát sinh giao dịch.
Như vậy thì doanh nghiệp phải xác định tỷ giá như thế nào, theo quy định của kế toán hay quy định của pháp luật kế toán. Nếu doanh nghiệp áp dụng quy đổi tỷ giá theo quy định của kế toán thì nghĩa vụ thuế được xác định sẽ bị thay đổi so với quy định của thuế. Doanh nghiệp có phải theo dõi cả tỷ giá theo cơ quan thuế và tỷ giá theo quy định của kế toán không?
Thông tư 26/2015/TT-BTC tại Điều 2, Khoản 4 sửa đổi, bổ sung Điều 27 như sau:
“3. Trường hợp phát sinh doanh thu, chi phí, giá tính thuế bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22  tháng 12 năm 2014 hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.”
Theo quy định trên:
– Tỷ giá để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
– Tỷ giá để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch.

Thứ Sáu, 17 tháng 11, 2017

ACCA là gì?

ACCA là tên viết tắt của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (the Association of Chartered Certified Accountants). Đây là một hiệp hội nghề nghiệp được hình thành từ rất lâu (năm 1904) và có uy tín lớn trên thế giới.
Hiệp hội ACCA cung cấp các chương trình học với tên gọi là ACCA (tên viết tắt của hiệp hội), và chương trình FIA/CAT.
Chương trình học ACCA bao gồm 14 môn học, chủ yếu với 3 lĩnh vực: kế toán, tài chính và kiểm toán. Với độ sâu và rộng, chương trình giúp học viên nắm vững nền tảng lý thuyết và kỹ năng ứng dụng vào thực tiễn cao. Do đó, bằng cấp ACCA được công nhận rộng rãi và có giá trị lớn với các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia, các công ty kiểm toán nước ngoài.
Với nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập, các công ty đa quốc gia ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng ở các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển. Việt Nam cũng được nhắm đến là một đất nước nhiều tiềm năng để các công ty nước ngoài kinh doanh và đầu tư. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực đòi hỏi phải nâng cao theo tầm quốc tế. Và sự tăng lên về số lượng học viên ACCA như một xu hướng tất yếu. Với bằng cấp ACCA, người lao động Việt Nam có thể tự hào và tự tin giữ những vị trí cao ở các công ty quốc gia như: Giám đốc tài chính, giám đốc điều hành, Chuyên viên phân tích tài chính cấp cao.
Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam ngày càng được nâng cao với các chương trình mang tính chất quốc tế như ACCA, FIA/CAT hay CFA. Trong đó, ACCA là chương trình quốc tế phổ biến nhất hiện nay. Với các bằng cấp có giá trị cao như ACCA, người lao động Việt Nam có thể thoát khỏi tình trạng lao động giá rẻ để tự tin đòi hỏi mức lương cạnh tranh với lao động của các nước phát triển.
Tuy nhiên, với độ khó của chương trình ACCA, người học cần có quyết tâm và thời gian để hoàn tất. Do đó, số người có bằng ACCA mặc dù có tăng lên hằng năm nhưng thực sự vẫn chưa đủ để đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Hơn thế, dù văn phòng đại diện ACCA tại Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động để giới thiệu cho chương trình ACCA, nhưng đa số nhân viên làm việc trong lĩnh vực kế toán vẫn mơ hồ về các yêu cầu cơ bản và tầm quan trọng của chương trình ACCA.

ACCA do hiệp hội kế toán công chứng Hoàng gia Anh quốc - hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán lớn nhất thế giới cấp. Sau khi hoc xong ACCA bạn còn được cấp Bằng cử nhân đại học Oxford Anh quốc. Thông thường, với những ai chưa có kiến thức cơ bản về kế toán thường học CAT- bằng kế toán quốc tế trước để có kiến thức nền tảng ban đầu. Học CAT xong, bạn sẽ có thể có nhiều cơ hội hơn để xin việc trong những công ty nước ngoài và có thể được học tài trợ cho đi học ACCA. 
CAT học 9 môn. ACCA học 14 môn
Học CAT khoảng gần 2 năm còn học ACCA phải mất 3-3,5 năm nếu bạn thực sự nỗ lực và chăm chỉ.
Học phí thì khá đắt . Bạn sẽ mất khoảng hơn 100 triệu để học ACCA và khoảng hơn 30 triệu nếu học CAT.( học CAT ở FTMS mất khoảng gần 50 triệu nhưng khá uy tín)


Giá trị bằng cấp ACCA

Bằng ACCA (Kế toán Công chứng Anh quốc) được trên 8.300 công ty là Đối tác Tuyển dụng Chính thức trên thế giới công nhận, giúp cho những người có đủ năng lực và quyết tâm phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và quản lý tài chính có cơ hội vươn đến những đỉnh cao nghề nghiệp.
Giá trị đích thực của chương trình ACCA (Kế toán Công chứng Anh quốc) có được từ nội dung các môn học, vốn được thiết kế dựa trên nhu cầu của các nhà tuyển dụng và sử dụng lao động. Chương trình sẽ cung cấp cho học viên một nền tảng vững chắc để tạo lập và phát triển các kỹ năng chuyên môn sâu rộng, có thể sử dụng được ở bất cứ nơi nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, đặc biệt trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính, quản lý. 
Bằng cấp ACCA mang tới cho người sở hữu những lợi thế đặc biệt:
  • Được công nhận trên toàn thế giới và tại Việt Nam
  • Kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, tiên tiến và có tính ứng dụng cao
  • Được các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu ưu tiên khi tuyển dụng
  • Dễ dàng chuyển đổi sang chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA)
  • Cộng đồng hội viên ACCA chuyên nghiệp, năng động khắp thế giới.
Ngày 9/10/2011, ACCA trao bằng hội viên danh dự cho Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, vinh danh những đóng góp to lớn của ông đối với ngành kế toán - kiểm toán và tài chính Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Bộ trưởng Huệ là người thứ 6 trên thế giới được ACCA trao bằng hội viên danh dự.