Vì sao tôi thi đỗ môn F7?
Có thể không phải học viên nào cũng giống như tôi, vì vậy mong rằng những chia sẻ của tôi ở đây là những điều các bạn đã quá rõ và đang thực hiện. Tôi mong sao là như vậy. Tôi không học chuyên ngành kế toán, hiện tại, tôi đang thất nghiệp và quyết định dành thời gian để học môn F7 trong thời gian tìm kiếm công việc. Tôi cũng biết rằng nhiều học viên ACCA đang làm nghề kế toán, tài chính, kiểm toán… vì vậy, kiến thức được tích lũy và áp dụng hàng ngày, khác với tôi rất nhiều. Nhưng tôi chỉ muốn chia sẻ với các bạn trong hoàn cảnh như tôi, nghĩa là không có chuyên ngành kế toán, vẫn có thể thi đỗ môn F7. Vậy tôi đã thi đỗ môn F7 thế nào?
Làm mới/ ôn tập kiến thức của mình Đọc nội dung môn học, tôi hiểu rằng môn F7 có gắn kết rất chặt chẽ với môn F3. Vì vậy, đầu tiên tôi hiểu rằng mình phải ôn tập, thực ra, là làm mới lại kiến thức của mình. Giở sách môn F3 ra, cảm giác đầu tiên của tôi là cái gì mình cũng biết, mà mình không biết mình cần tìm hiểu, đọc, làm mới chỗ nào. Cũng may mà tôi nhận được một lời khuyên truy cập vào một trang e-learning của một Công ty kiểm toán lớn trên thế giới, có một module học về các IAS, và theo nội dung của môn học, tôi “làm mới” từng chuẩn mực đã học ở F3. Những case study thực tế xây dựng trên module ấy làm tôi hiểu rõ hơn những chỗ tôi mới lờ mờ hiểu, và tôi thấy mình không bị nhàm chán khi ôn lại những kiến thức này trước khi bắt đầu đi học F7. Tôi tiếp tục “làm mới” cả những kiến thức chưa cũ, nghĩa là những kiến thức vừa học ở lớp F7 tôi đang theo học. Và với cách này, tôi cảm thấy các IAS như ngấm dần vào mình, chứ không còn trôi tuột đi theo lời giảng của cô giáo nữa.
Đọc sách text book một cách nghiêm túc Tôi thấy thật kỳ lạ khi nghe một số lời khuyên là thi môn F7 không cần đọc text book, chỉ cần làm bài tập hoặc lecture note của cô giáo là đủ. Cũng may là cô giáo tôi khuyên chúng tôi nên đọc text book, động viên chúng tôi rằng sách textbook là nguồn tài liệu chính thống và rất hay, rất nên đọc. Có đọc sách, tôi mới hiểu ra nhiều khái niệm dễ nhầm lẫn, thậm chí các ví dụ rất đơn giản trong đời thường mà tôi không ngờ là đang được áp dụng trong các chuẩn mực kế toán. Đọc sách, tôi mới hiểu sự liên quan đến nhau giữa các chuẩn mực kế toán, và cung cấp cho tôi cái nhìn toàn diện hơn về một môn học không được học chuyên ngành ở trường đại học.
Lưu ý những phần quan trọng Qua những buổi học môn F7, tôi hiểu ra rằng có những phần quan trọng và liên quan đến nhau rất nhiều. Ví dụ như câu hỏi số 2, luôn luôn là lập báo cáo tài chính. Thậm chí, môn F3 tôi đã được học phần này, nhưng ở môn F7, cách câu hỏi đưa các note thêm vào làm bài tập này phức tạp hơn nhiều lần. Nói cách khác, không thể làm được câu này nếu không học trọn vẹn các IAS, vốn sẽ xuất hiện như một dạng note.Tuy nhiên, lập báo cáo tài chính lại là một kỹ năng cần phải làm thành thạo, vì tất cả các kỳ thi đều xuất hiện dạng bài này. Vì vậy, tôi đã đưa ra một chiến lược cho riêng mình: Phân tích câu hỏi của các bài tập và làm dần các bài đơn giản (các note không quá phức tạp, đã học ở F3, hoặc ít nhất trên lớp F7 cô giáo đã dạy đến IAS đó…). Và thật kỳ lạ là mỗi tuần tôi chỉ làm 2, 3 bài tập lập báo cáo, thì đến khi thi, tôi cũng vẫn giữ nguyên tốc độ đó chứ không phải làm hàng vài chục bài để luyện vào ngày chót. Điều này giúp tôi có kỹ năng trong một thời gian dài, và việc phân tích đó giúp tôi nắm được những chuẩn mực nào hay có câu hỏi thi, và tôi không hề bất ngờ với đề thi môn F7 khi ở trong phòng thi nữa.
Lập kế hoạch hiệu quả Để làm được điều vừa nói, tôi đã phải lập một kế hoạch học tập, và cố gắng theo đuổi kế hoạch của mình. Có một tuần tôi bị ốm, tôi cảm thấy mình lo lắng và sốt ruột kinh khủng vì không theo được kế hoach của mình. Nhưng cô giáo tôi đã động viên tôi để điều chỉnh kế hoạch thực tế hơn, tính cả đến thời gian nghỉ ngơi, bạn bè… để giảm áp lực cho bản thân mình. Tôi cảm thấy rất nhẹ nhàng khi làm được điều đó.
Tầm quan trọng của trình bày bài viết Shakespeare rất thông minh, quan trọng hơn là ông ấy biết khán giả của ông ấy là ai. Tôi nghĩ vậy và cũng tập trình bày bài thi theo cách đó. Tôi có biết một số bạn học viên, đi học writing English hoặc học IELTS để đi thi ACCA. Vấn đề là, chúng ta trình bày bài thi cho examiners của ACCA, chứ không phải viết văn để đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS. Và vì vậy, tôi cố gắng đạt đến kết quả mà examiners mong muốn: rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. Những lần trình bày đầu tiên, tôi so lại với bài giải của examiners hoặc nhờ cô giáo trợ giúp, đặc biệt, tôi nói rõ mong muốn về cách trình bày của mình. Cô giáo tôi có lời khuyên về việc trình bày theo ý của riêng mình, cốt sao đạt được sự mạch lạc và rõ ràng, thay vì cố gắng làm giống như examiners đã làm. Tôi thấy tự tin hơn hẳn vì được tự suy nghĩ và trình bày, sau vài lần được cô giáo giúp đỡ, tôi đã thấy bài làm của mình sáng sủa và dễ hiểu hơn rất nhiều.
Make my own guides / Hướng dẫn chính mình Thay vì chỉ làm bài tập, tôi tự đưa ra những cách làm từng câu hỏi cho mình, và ghi ra theo từng bước, từng bước. Các bước cụ thể từ việc đọc đề, dùng bút đánh dấu các chỗ cần chú ý, đến lập template báo cáo, làm workings… cho từng câu 1, câu 2, câu 3, câu 4, câu 5… tôi đều ghi ra cụ thể. Việc này giúp cho tôi có thể nhìn lại và tự cải tiến trong quá trình làm bài, để tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu quả cao nhất.
Luyện tập, luyện tập và luyện tập Đúng thực là không có phương pháp nào tốt hơn là luyện tập. Nhưng thú nhận với các bạn là tôi không quá chăm học đến nỗi có thể làm toàn bộ bài tập, nhưng những bài tập quan trọng tôi luôn làm luôn trong tuần đó, chỉ khoảng 2 bài/ tuần thôi. Cùng với những việc trên, tôi thấy thời gian học không phải là quá nhiều, và quan trọng hơn hết, là tôi thi đỗ với điểm số mong muốn và thấy rất yêu thích môn học này. Vì những lý do đó, kỳ tới, tôi đã sẵn sàng cho môn thi P2.
Mong rằng các bạn sẽ áp dụng được đâu đó những tips nhỏ mà không nhỏ của tôi, các bạn nhé 

Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét